1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kon Tum:

Thấp thỏm sống dưới chân công trình thủy điện

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Mùa mưa bão, người dân sống dọc vùng hạ du, dưới chân các công trình thủy điện ở Kon Tum lại thấp thỏm lo ngại những "quả bom nước".

Cả tỉnh Kon Tum hiện có 80 công trình thủy điện. Mùa mưa lũ, bà con sống ngay dưới chân các công trình thủy điện lại thấp thỏm lo hoa màu và cả tính mạng bị đe dọa.

Thấp thỏm sống dưới chân công trình thủy điện - 1

Người dân sống cạnh các con sông lớn, gần các công trình thủy điện ở Kon Tum thấp thỏm lo ngại những "quả bom nước" mỗi mùa mưa lũ (Ảnh: Phạm Hoàng).

Người dân xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà, Kon Tum) vẫn còn ám ảnh mùa mưa lũ năm 2020, hàng loạt thủy điện xả lũ gây ngập nặng cho vùng hạ du.

Nhiều diện tích hoa màu, cây cối và các vườn cà phê đang vào mùa thu hoạch của người dân chìm trong biển nước. Dòng cát cũng theo dòng nước lũ tràn về vùi lấp ruộng vườn, ảnh hưởng đời sống người dân.

Đến nay đã gần 2 năm, các thủy điện vẫn chưa hoàn thành việc hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại.  

Thấp thỏm sống dưới chân công trình thủy điện - 2

Nhiều diện tích hoa màu, cây cối của người dân xã Đăk Pxi bị nhấn chìm do việc xả lũ từ các thủy điện ở thượng nguồn (Ảnh: Phạm Hoàng).

Bà Nguyễn Thị Nam (thôn 5, xã Đăk Pxi) cho biết: "Đợt thủy điện xả lũ vào năm 2020, hơn 1.200 cây cà phê của gia đình tôi bị nhấn chìm trong nước. Khi lũ rút, cát phủ lấp trắng vườn. Gia đình tôi đã được đền bù thiệt hại nhưng vẫn thấp thỏm, ám ảnh trận xả lũ năm đó".

Bà Nam bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương, thủy điện có những phương án xả lũ hợp lý, thông báo kịp thời đến người dân để đảm bảo tính mạng và tài sản, nhất là mùa mưa lũ.

Thấp thỏm sống dưới chân công trình thủy điện - 3

Hơn 1.200 cây cà phê của bà Nam (áo xanh) đã bị nước lũ nhấn chìm vào năm 2020 (Ảnh: Phạm Hoàng).

Tương tự, người dân ở vùng hạ du ở các xã Tân Lập, Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy, Kon Tum) sống dọc dòng sông Đăk Snghé đều "gồng gánh" chịu cảnh mùa nắng thì dòng sông khát khô, thiếu nước tưới; mùa mưa nước lũ nhấn chìm hoa màu, ruộng vườn.

Thấp thỏm sống dưới chân công trình thủy điện - 4

Các công trình thủy điện không chỉ làm thay đổi hệ sinh thái mà còn gây xáo trộn cuộc sống của người dân khu vực hạ du (Ảnh: Phạm Hoàng).

Toàn huyện Kon Rẫy đang có hơn 1.000 hộ dân sống ở vùng hạ du, gần khu vực sông, suối nguy cơ ảnh hưởng đời sống sinh hoạt, sản xuất cao trong mùa mưa lũ.

Ông Phan Văn Học - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi - xác nhận do ảnh hưởng bão số 9 năm 2020, khoảng 96 hộ dân sinh sống ở khu vực lòng hồ Thủy điện Đăk Psi 5 đã bị ảnh hưởng, nước ngập sâu, có nơi gần 2m, gây nhiều thiệt hại cho tài sản, hoa màu của người dân.

Cơ quan chức năng xác định các thủy điện ở thượng nguồn xả lũ và gây ngập lụt, ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản của người dân. Đồng thời, yêu cầu các thủy điện tiến hành đền bù, hỗ trợ những thiệt hại cho các hộ dân.

Đến nay, các công ty thủy điện trên địa bàn đã hỗ trợ, đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Hiện còn hơn 10 hộ dân chưa đồng ý với mức đền bù mà bên thủy điện đưa ra.

Ông Học cho biết, để ứng phó thiên tai, khi có bão, chính quyền phân công lực lượng trực 100%, nắm tình hình mực nước và hỗ trợ bà con di dời tài sản lên cao lúc cần kíp. Địa phương đồng thời phối hợp chặt chẽ với thủy điện để kịp thông báo đến người dân khi thực hiện quy trình xả lũ.

Đối với những khu vực dân cư có nguy cơ sạt lở, xã cũng xây dựng phương án di dời đến khu tái định cư.

Ông Nguyễn Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy (Kon Tum) cũng cho biết: "Mỗi khi mưa lũ, chúng tôi thường xuyên vận động người dân sống ở vùng hạ du đề cao tinh thần phòng, chống thiên tai. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các thủy điện để giám sát việc xả lũ, điều tiết nước nhằm tránh việc gây ngập úng cho người dân vùng hạ du".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm