Bình Định:
Tháp cẩu quay như “chong chóng” trong bão là... hợp lý?
(Dân trí) - Lãnh đạo Sở Xây dựng Bình Định cho rằng giải pháp đầu tiên, an toàn nhất vẫn là hạ thấp cần cẩu, chỉ trường hợp bất khả kháng không tháo kịp mới thả cho quay tự do. Trong khi đó, chủ đầu tư cho rằng, đây là động tác bình thường về kỹ thuật...
Cơ quan chức năng nói hạ…
Ngày 12/11, liên quan đến vụ tháp cẩu quay như “chong chóng” trong bão khiến nhiều người dân ở Quy Nhơn (Bình Định) cảm thấy bất an, ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định khẳng định rằng giải pháp đầu tiên, an toàn nhất là phải hạ thấp cẩu xuống.
Theo ông Bảo, có 2 trường hợp, một là yêu cầu nhà thầu phải hạ cẩu xuống sát tầng nhà đang xây gần nhất, kê cách mặt sàn tầng đó khoảng 1,5m. Đặc biệt, tầng đó phải được đổ bê tông cứng rồi thì lúc đó mới được neo cần cẩu vào mặt sàn tầng này.
Hai là trong trường hợp bất khả kháng, giông lốc cấp 5 có thể giật lên 9 cấp 10 thì những trường hợp này, không ai tháo hạ cẩu kịp được. Lúc đó, trong quy trình vận hành cẩu tháp được phép mở khóa cần cẩu ra để ở trạng thái tự do.
“Ở trạng thái tự do này, cần cẩu có thể quay tự do xuôi theo chiều gió. Tùy cơn gió, lúc xuôi theo hướng bắc, lúc hướng tây… nó sẽ tự động điều chỉnh cân bằng”, ông Bảo cho hay.
Riêng về trường hợp tháp cẩu quay như “chong chóng” trong bão số 6, ông Bảo cho biết: “Thực ra, tháp cẩu này chỉ cao mười mấy mét, nhà thầu đang làm móng chứ chưa lên tầng nào. Hơn nữa, do nằm trong khu vực thấp nên gió quẩn giữa các chung cư mới tạo ra quay. Hiện giờ, trên địa bàn thành phố khoảng 9-10 cần cẩu khác ở vị trí cao đều xuôi gió nên không bị quay.
Tất nhiên, giải pháp đầu tiên an toàn nhất vẫn phải hạ thấp cẩu xuống để neo. Nếu không hạ thấp mà neo và khóa cần cẩu thì trường hợp gió vuông góc với mặt có cần cẩu với trụ đứng sẽ tạo ra một lực xung ngang rất lớn. Lúc đó, cả cần cẩu đổ luôn chứ không phải gãy cần”.
Cũng theo ông Bảo, nếu khi có bão mà được thông báo sớm thì các chủ đầu tư, nhà thầu phải sớm hạ cần cẩu xuống. Tuy nhiên cũng có cái khó cho họ, nếu thời gian báo gấp quá thì sẽ không có cách nào mà tháo hạ nhanh tháp cẩu xuống được.
Tháp cẩu đang thi công dự án Chung cư cao tầng Hồ sinh thái Đầm Đống Đa (ảnh chụp trưa 12/11).
Ông Bảo chia sẻ thêm: “Trong bão số 6 có hiện tượng tháp cẩu quay, Sở đã có văn bản rút kinh nghiệm. Trước mắt trong mùa mưa bão này, Sở sẽ có một công văn đề nghị các nhà đầu tư, chủ đầu tư có các biện pháp an toàn phòng chống bão. Về lâu dài, Sở sẽ đề xuất với UBND tỉnh phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và đơn vị các thiết bị thi công về an toàn để có một quyết định cụ thể”.
Chủ đầu tư nói kỹ thuật… cho phép!
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bất động sản Phú Tài - đơn vị chủ đầu tư dự án Chung cư cao tầng Hồ sinh thái Đầm Đống Đa (tên thương mại Phu Tai Residence) cho biết, việc này thuộc phạm vi nhà thầu, còn ông thuộc chủ đầu tư. Nguyên lý vận hành các thiết bị là của nhà thầu và chuyện đúng hay sai thì do chính quyền kết luận.
Tuy nhiên, với vai trò là chủ đầu tư, ông Tuấn cho hay: “Tất nhiên chúng tôi cũng đã quán triệt cho nhà thầu về công tác an toàn trong xây dựng cũng như trong mưa bão theo đúng quy định. Phạm vi của nhà thầu họ cũng đã cử người giải thích cho dân nắm rõ. Thực ra, theo tôi cái này (tháp cẩu quay - pv) là một động tác bình thường về kỹ thuật. Cẩu tháp cho phép đứng ở độ cao 45m, nhưng đây mới chỉ có cao 22 mét. Chuyện mưa bão người ta tháo phanh (mở khóa cẩu) ra là đúng, chứ không tháo thì gió vặt cái gãy liền”.
Ông Tuấn chia sẻ thêm: “Những tháp cẩu bị gãy đổ trong bão là họ đang sai kỹ thuật. Họ neo lại thì gió giật gãy, còn để quay tự do thì đâu có gãy. Tôi thấy những cần cẩu bị gãy là do nó đứng yên một chỗ. Bão gió giật lắc như vậy nhưng cần cẩu không quay, chứng tỏ bị neo nên trái gió là bị bẻ gãy thôi. Còn thả tự do thì nó như mũi tên đi theo hướng gió sẽ không bị áp lực của gió, nhưng nếu anh neo lại gặp luồng gió ngang thì nó vặt trụ ở dưới là gãy liền”.
Ghi nhận của PV Dân trí, trưa 12/11, tháp cẩu của dự án Chung cư cao tầng hồ sinh thái Đầm Đống Đa (Phu Tai Residence) trụ tháp cẩu cao khoảng 20m, còn tay cần cẩu dài đến vài chục mét.
“Tôi không biết theo thiết kế thì trong mưa bão, tháp cẩu đó có phải hạ xuống hay cố định lại hoặc để quay tự do như hôm bão số 6 vừa rồi. Nhưng tâm lý người dân, thấy tháp cẩu lớn quay trên đầu nhà dân nên ai thấy cũng sợ. Chiều hôm bão số 6, tháp cẩu quay tròn liên tục tôi ngồi trong nhà mà lo lắng, nghĩ dại nếu gió bão giật gãy đổ vào nhà thì nguy”, chủ một quán nhậu đối diện dự án trên cho biết.
Một tháp cẩu ở công trình cao tầng tại Quy Nhơn.
Như Dân trí đã thông tin, chiều 10/11, nhiều người đi qua khu vực đường Lê Đức Thọ, Lưu Hữu Phước, Đặng Văn Ngữ (TP Quy Nhơn, Bình Định) phải một phen thót tim khi chứng kiến một tháp cẩu cao hàng chục mét quay như “chong chóng” theo gió trong bão số 6. Tháp cẩu này đang thi công dự án Chung cư cao tầng Hồ sinh thái Đầm Đống Đa (tên thương mại Phu Tai Residence) do Công ty TNHH MTV Bất động sản Phú Tài (Bình Định) làm chủ đầu tư.
Doãn Công