Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Vinataba
(Dân trí) - “Cần có quy định cụ thể để khắc phục vướng mắc khi cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá cho Vinataba là đơn vị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu”.
Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định dự thảo Nghị định về kinh doanh thuốc lá thay thế Nghị định số 67/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Cơ quan soạn thảo - Bộ Công Thương cho biết diện tích vùng trồng cây thuốc lá trong nước các năm gần đây liên tục suy giảm mặc dù số lượng doanh nghiệp đầu tư trồng được cấp phép ngày càng nhiều.
Kết quả tổng hợp từ các Sở Công Thương cho thấy tổng diện tích trồng cây thuốc lá cả nước năm 2019 là 14.093ha - chỉ đạt 45% so với mục tiêu của ngành thuốc lá đến năm 2020 là 31.000 ha. Chỉ tính riêng diện tích đầu tư trồng trực tiếp của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) bình quân 3 năm trở lại đây đã giảm mạnh từ 12.000 ha xuống 7.000 ha.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, với sản lượng thuốc lá nguyên liệu 34.000 tấn bị giảm đi sẽ làm mất việc làm của 86.000 lao động, không có việc làm trong 9 tháng, lợi nhuận của ngành nông nghiệp giảm 340 tỷ đồng.
Mặt khác, vùng trồng thuốc lá để sản xuất thuốc lá điếu trong nước không thể mở rộng làm cho sản xuất bị thu hẹp, thị phần thuốc lá sản xuất trong nước bị giảm sút nghiêm trọng. Điều này cũng làm một bộ phận cư dân biên giới bỏ canh tác, tác động xấu nghiêm trọng đến kinh tế địa phương và khiến kinh tế địa phương đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.
“Hiện tại, thuốc lá nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 30-40% cho sản xuất, còn lại gần 70% phải nhập khẩu với chi phí lên tới hàng trăm triệu đô la Mỹ”- tờ trình của Bộ Công Thương cho hay.
Ngoài ra, vùng trồng thuốc lá tạo ra việc làm cho trên 200.000 nông dân. Các nghiên cứu khoa học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy loại cây này đã và đang phát huy thế mạnh so với nhiều loại cây trồng nông nghiệp khác tại các vùng có tiềm năng trồng thuốc lá…
Để khắc phục các tình trạng trên, minh bạch hóa hoạt động mua bán nguyên liệu, chống thất thu thuế và chảy máu ngoại tệ, dự thảo đã đề xuất quy định rõ doanh nghiệp đầu tư trồng chỉ được mua nguyên liệu của nông dân do đơn vị mình ký hợp đồng. Doanh nghiệp phải lập hồ sơ, chứng từ đầy đủ để cung cấp cho nông dân và lưu giữ tại đơn vị để phục vụ công tác hậu kiểm.
Đồng thời quy định việc nông dân ký cam kết với doanh nghiệp đầu tư không bán cho các đối tượng mua thu gom trái quy định của pháp luật. Truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thuốc lá để ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, gây thất thu lớn cho Nhà nước.
Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng chồng chéo trong việc cấp phép đầu tư trồng cây thuốc lá, điều kiện cấp giấy chứng nhận đầu tư trồng cây thuốc lá quy định doanh nghiệp ngoài việc đầu tư 100ha/vụ thì phải có 1 vùng trồng với diện tích trồng tối thiểu 40ha/1 tỉnh.
Sở Công Thương nơi có vùng trồng trực tiếp của doanh nghiệp có quy mô trồng lớn nhất (tối thiểu là 40ha) là đơn vị cấp Giấy phép đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá.
Khắc phục vướng mắc khi cấp giấy phép cho Vinataba
Theo Bộ Công Thương, Nghị định 67/2013 quy định điều kiện để được cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá là doanh nghiệp phải trực tiếp sở hữu máy móc. Trong thực tế, Vinataba đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép hoạt động sản xuất sản phẩm thuốc lá nhưng không trực tiếp sở hữu máy móc mà trực tiếp sở hữu các nhãn thuốc lá và đầu tư 100% vốn vào các đơn vị nhập khẩu, phân phối thuốc lá và các công ty sản xuất thuốc lá.
“Cần có quy định cụ thể để khắc phục vướng mắc khi cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá cho Vinataba là đơn vị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu”- Bộ Công Thương cho hay.
Vì vậy, Điều 16 dự thảo quy định điều kiện cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá là doanh nghiệp phải có máy móc thiết bị chuyên ngành thuốc lá gồm các công đoạn chính cuốn điếu, đóng bao hoặc hoặc nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc cổ phần chi phối tại doanh nghiệp khác có máy móc thiết bị chuyên ngành thuốc lá đã được cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá.
Bộ Công Thương đánh giá với các quy định này, các đơn vị sản xuất sản phẩm thuốc lá nhưng không trực tiếp sở hữu máy móc thiết bị được cấp Giấy phép sản xuất theo quy định.
Dự thảo tờ trình gửi tới Bộ Tư pháp cũng cho rằng Nghị định 67/2013 chưa làm rõ về vốn chi phối của nhà nước tại tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã gây khó khăn, vướng mắc trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (Vinataba).
Ngoài ra, theo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước và Bộ Tài chính, quy định của pháp luật hiện nay thì vốn đầu tư của Vinataba tại các liên doanh (Vinataba-BAT; Vinataba-Phillipmoris) không phải là vốn nhà nước mà là vốn của doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, cần phải bổ sung quy định cho phù hợp và giải quyết vướng mắc trong việc cổ phần hóa.
Từ đó dự thảo đề xuất bổ sung quy định: Điều kiện thành lập dự án có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất sản phẩm thuốc lá: a) Nhà đầu tư nước ngoài hợp tác với doanh nghiệp đã có Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá; b) Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất thuốc lá; c) Doanh nghiệp có giấy phép sản xuất thuốc lá nắm giữ trên 50% vốn điều lệ trong dự án.