1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thảo Cầm Viên Sài Gòn thành... khu ăn nhậu

(Dân trí) - Hiện phần lớn diện tích mặt tiền phía đường Nguyễn Thị Minh Khai của Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã bị cho thuê, trở thành nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống. Người qua đường không còn nhận ra đây là Thảo Cầm Viên – một trong những vườn thú lâu đời nhất thế giới.

Thảo Cầm Viên thành “quán nhậu”

Thảo Cầm Viên Sài Gòn (quận 1) được xây dựng vào đầu năm 1864 với tên gọi đầu tiên là Vườn Bách Thảo. Thảo Cầm Viên Sài Gòn được kỳ vọng là nơi để nâng cao văn hoá và các hoạt động bảo tồn động thực vật, cũng như phục vụ công trình nghiên cứu cho các nhà khoa học Đông Dương.

Thảo Cầm Viên Sài Gòn là một trong những vườn thú lâu đời nhất thế giới
Thảo Cầm Viên Sài Gòn là một trong những vườn thú lâu đời nhất thế giới

Năm 1865, công trình hoàn thành với nhiều loại thú và cây quý hiếm được nhận về từ các nước lân cận như Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia, và được mở rộng đến 20ha.

Người dân Sài Gòn khi ấy quen gọi Thảo Cầm Viên Sài Gòn là Sở Thú và tên gọi phổ thông này vẫn gắn liền với Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho đến tận hôm nay.Từ năm 1869, Thảo Cầm Viên Sài Gòn mở cửa cho công chúng vào xem.

Người dân mua vé tham quan Thảo Cầm Viên Sài Gòn
Người dân mua vé tham quan Thảo Cầm Viên Sài Gòn

Trước đây, ngoài cổng chính trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thảo Cầm Viên còn có một cửa lớn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Sau đó, với nhiều lý do, cổng này không còn mở. Người tham quan gửi xe vào cổng phụ ở gần cầu Thị Nghè.

Thảo Cầm Viên Sài Gòn thành... khu ăn nhậu - 3
Mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai dày đặc dịch vụ ăn uống, quán nhậu... Người đi đường khó lòng nhận ra đây là Thảo Cầm Viên
Mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai dày đặc dịch vụ ăn uống, quán nhậu... Người đi đường khó lòng nhận ra đây là Thảo Cầm Viên

Đứng từ ngoài đường Nguyễn Thị Minh Khai, mọi người có thể thấy chim, thú và khung cảnh thoáng đãng bên trong. Tuy nhiên, nay thì hầu như toàn bộ phần đất mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai được cho thuê để kinh doanh dịch vụ giải trí, ăn uống, quán nhậu, gian hàng thời trang… Người đi đường không còn nhận ra đây là Thảo Cầm Viên – một trong những vườn thú lâu đời nhất thế giới.

Dịch vụ ăn uống, quán nhậu hoạt động sôi động bên trong Thảo Cầm Viên
Dịch vụ ăn uống, quán nhậu hoạt động sôi động bên trong Thảo Cầm Viên

Được biết, Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã cho 8 cá nhân, doanh nghiệp thuê mặt bằng tại Thảo Cầm Viên, với 12 hợp đồng dịch vụ. Trong đó, phần lớn diện tích mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai cho thuê kinh doanh dịch vụ ăn uống có thời hạn đến hết năm 2019.

Quán nhậu đã che khuất tầm nhìn vào Thảo Cầm Viên từ đường Nguyễn Thị Minh Khai
Quán nhậu đã che khuất tầm nhìn vào Thảo Cầm Viên từ đường Nguyễn Thị Minh Khai

Trả lại chức năng cho công viên

Công viên là nơi để người dân nghỉ ngơi, vui chơi, tập thể dục... Thế nhưng, tại TPHCM, công viên còn thêm “chức năng” tổ chức hội chợ, phiên chợ, hoạt động mua sắm...

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, thời gian qua các hội chợ, triển lãm thương mại và lễ hội kèm theo hoạt động thương mại thường xuyên được tổ chức trong công viên công cộng trên địa bàn thành phố.

Việc này không chỉ gây ảnh hưởng đến các hoạt động vui chơi, nghỉ ngơi, luyện tập thể dục của người dân mà còn hư hại cây cỏ, kiểng, hạ tầng của công viên, ảnh hưởng đến mỹ quan, vệ sinh...

Theo thống kê, trong hai năm 2016 và 2017, chỉ tính riêng các công viên do Sở GTVT TP quản lý đã có 24 lượt hội chợ, triển lãm được tổ chức. Trong đó, công viên 23/9 có 9 đợt với thời gian sử dụng mặt bằng lên đến 130 ngày và các ngày cuối tuần tổ chức chợ phiên; công viên Lê Văn Tám cũng có 7 đợt với 73 ngày; cùng 7 đợt nhưng thời gian sử dụng mặt bằng tại công viên Gia Định lên đến 115 ngày.

Đáng chú ý là tình trạng công viên 23/9 bị “xẻ thịt”. Sở GTVT TP cho biết, nhiều đơn vị quản lý và khai thác, dẫn đến việc quản lý chồng chéo, manh mún và thiếu kiểm soát trong công tác khai thác, xây dựng. Tại khu B tồn tại các khu mua sắm, ăn uống, dịch vụ đã làm thay đổi công năng của công viên và ảnh hưởng đến giao thông.

Trước thực trạng trên, UBND TPHCM chỉ đạo Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá chính xác tình trạng pháp lý của từng công trình, trụ sở, quán ăn, bãi xe đang tồn tại trong công viên 23/9. Từ đó, tham mưu cho UBND TPHCM lộ trình và phương án di dời phù hợp.

Quốc Anh