Thanh tra "lơ" vi phạm phải chịu trách nhiệm
(Dân trí) - Thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dẫn lại lời Tổng Bí thư về chế tài đối với cán bộ thanh tra khi phát hiện vi phạm mà "ngó lơ", không xử lý.
Rà soát thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ
Thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) chiều 17/8, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết cơ quan soạn thảo đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ lực lượng thanh tra huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như Chính phủ đã trình và ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội.
Nhiều ý kiến cũng tán thành với việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ nhưng một số ý kiến đề nghị không thành lập vì việc thành lập tổ chức mới sẽ phát sinh thêm biên chế, không phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương.
Ủy ban Pháp luật cho rằng tại các cơ quan này đã tổ chức các đơn vị tham mưu về công tác thanh tra và bố trí đội ngũ công chức làm công tác thanh tra. Việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ không làm phát sinh tổ chức, biên chế mới, do các cơ quan này đã có bộ máy và biên chế đang thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
"Khi luật này có hiệu lực thi hành, không phải ở tất cả các Tổng cục, Cục thuộc Bộ hiện đang được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đều sẽ thành lập tổ chức thanh tra. Chính phủ phải sẽ rà soát, chỉ cơ quan nào thực sự cần thiết và có đủ năng lực thực hiện thì mới được thành lập cơ quan thanh tra"- ông Hoàng Thanh Tùng cho hay.
Dù vậy, theo ông, để việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ được chặt chẽ, luật sẽ quy định rõ các tiêu chí thành lập. Cụ thể, tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định trên cơ sở đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ, theo yêu cầu của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Về Thanh tra Sở, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định thành lập là phù hợp, khắc phục tình trạng "dàn đều" biên chế cho cơ quan thanh tra ở tất cả các sở. Dự thảo quy định, Thanh tra Sở được thành lập tại một số Sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp.
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng tình với việc duy trì thanh tra cấp huyện và giao cấp tỉnh quyết định thành lập. Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn về khoảng trống quản lý nhà nước trên địa bàn, nhất là với mảng xây dựng.
Ông dẫn chứng, trước kia ở Hạ Long - Quảng Ninh có công trình vi phạm, thanh tra xây dựng nói của thành phố, nhưng thành phố lại bảo không được giao chức năng nhiệm vụ. Đến khi khắc phục sự cố lại rất tốn kém cho xã hội.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, luật sửa đổi tới đây sẽ làm rõ mối quan hệ giữa Thanh tra tỉnh với Chủ tịch tỉnh, Thanh tra Chính phủ với Thủ tướng Chính phủ. Khi xây dựng dự án luật này, ban soạn thảo "không động đến tổ chức bộ máy" và việc này được Bộ Nội vụ góp ý rất sát sao.
Tránh khoảng trống pháp luật trong hoạt động thanh tra
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đặc biệt lưu ý đến việc quy định cụ thể trách nhiệm của trưởng đoàn và đoàn thanh tra. Khi tiến hành thanh tra, nếu phát hiện vi phạm thì đoàn thanh tra phải ra kết luận. Nếu phát hiện vi phạm mà bỏ qua, sau này phát hiện ra thì trưởng đoàn và đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm.
Chung quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dẫn lại thông tin tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở: "Thanh tra phát hiện vi phạm mà không xử lý thì pháp luật sẽ xử lý anh".
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị xác định rõ hơn thẩm quyền cơ quan thanh tra, đoàn thanh tra, các cơ quan thanh tra trong hệ thống, tránh khoảng trống pháp luật trong hoạt động thanh tra; làm rõ quy trình thanh tra và thực hiện kết luận thanh tra, công bố kết luận thanh tra.
Ông Hoàng Thanh Tùng khẳng định, đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm về kết quả thanh tra do mình thực hiện. "Phát hiện sai phạm, anh phải có kết luận, còn nếu kết luận không vi phạm, anh phải chịu trách nhiệm về vấn đề đó"- ông Tùng nói.