"Quốc hội làm hết việc chứ không làm hết giờ"
(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội gợi ý việc dành quyền linh hoạt cho chủ tọa và Quốc hội, thực hiện phương châm "Quốc hội làm hết việc chứ không phải làm hết giờ", qua đó mở rộng hơn nữa quyền của đại biểu.
Sáng 17/8, trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự thảo Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - cho biết, Thường trực Ủy ban này cơ bản tán thành với các nội dung được sửa đổi, bổ sung.
Đáng chú ý, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc bổ sung quy định về quyền của chủ tọa, người điều hành phiên họp trong việc điều hành linh hoạt phiên họp toàn thể tại hội trường. Tuy nhiên đề nghị ban soạn thảo tổng kết thực tiễn điều hành các phiên họp của Quốc hội để nghiên cứu, quy định cụ thể hơn các trường hợp cần thiết, chủ tọa hoặc người điều hành phiên họp đề nghị Quốc hội quyết định kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu hoặc giải trình.
Cũng có ý kiến đề nghị không nên quy định việc điều chỉnh thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội, vì quyền phát biểu tại phiên họp là một quyền quan trọng của đại biểu, là phương thức thể hiện tính chất dân chủ trong hoạt động của Quốc hội. Do đó cần bảo đảm đủ thời gian cần thiết để đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường, bảo đảm sự bình đẳng giữa các đại biểu thông qua việc áp dụng nguyên tắc phát biểu theo thứ tự đăng ký.
Trường hợp có nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu có thể kéo dài thời gian phiên họp để bảo đảm tất cả đại biểu đăng ký đều được phát biểu.
Thông tin về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về việc tranh luận trong hoạt động chất vấn vì tại các phiên chất vấn gần đây, mỗi đại biểu chỉ có một phút và phải đợi đến lượt mới được hỏi. Trong khi đó có trường hợp đại biểu không có câu hỏi nhưng lại được quyền tranh luận, không cần đợi theo thứ tự đăng ký và có đến 2 phút để tranh luận là không công bằng.
Ông Cường đề nghị làm rõ nguyên tắc bất kỳ đại biểu nào hay chỉ đại biểu đặt câu hỏi đó mới có quyền tranh luận với người trả lời chất vấn. Đồng thời cần làm rõ sự khác nhau giữa khái niệm tranh luận trong hoạt động chất vấn với khái niệm chất vấn lại.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, cũng có ý kiến cho rằng tại phiên chất vấn, nếu người trả lời chất vấn, giải trình chưa rõ thì đại biểu Quốc hội cần tranh luận, truy vấn đến cùng nhằm mục đích làm sáng tỏ vấn đề với tính xây dựng cao, tìm ra giải pháp khắc phục khả thi, hữu hiệu. Thậm chí đại biểu khác có cùng sự quan tâm cũng có quyền tranh luận với người bị chất vấn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, giữa tranh luận với chất vấn lại không rõ, dù tất cả đều đề cập đến những vấn đề còn chưa được sáng tỏ. Ông đề nghị nên bỏ tranh luận trong chất vấn, mà nên gọi là chất vấn lại với thời gian một phút, tránh tranh luận trong chất vấn, thảo luận.
Cùng chung mối quan tâm, ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường - phân tích bản chất tranh luận là để đi đến tận cùng vấn đề, tìm ra chân lí. Vì vậy, tranh luận, chất vấn lại không nên giới hạn. "Đó là quyền của đại biểu trong nghị trường và cũng là mở rộng dân chủ nghị trường"- ông Huy nêu quan điểm.
Phát biểu tại buổi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nên giữ thời gian phát biểu là 7 phút, không nên rút ngắn xuống 5 phút. Tuy nhiên, chủ tọa có thể linh hoạt trong điều hành phiên họp, cho phép phát biểu có thể rút ngắn hơn, cũng có thể kéo dài thời gian.
Chủ tịch Quốc hội gợi ý việc dành quyền linh hoạt cho chủ tọa và Quốc hội, thực hiện phương châm "Quốc hội làm hết việc chứ không phải làm hết giờ", qua đó mở rộng hơn nữa quyền của đại biểu Quốc hội.
Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các điều khoản để bảo đảm tính tương thích, thống nhất với hệ thống pháp luật, phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan; đồng thời gợi ý bổ sung trách nhiệm của Tổng Thư ký Quốc hội và Ban Thư ký tại kỳ họp…