1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm về quản lý đất đai ở Ninh Bình

Thế Kha

(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm về quản lý đất đai, khai thác khoáng sản ở tỉnh Ninh Bình và yêu cầu rà soát, xử lý hàng loạt dự án lớn liên quan.

Kết luận thanh tra về quản lý, sử dụng đất đai, cấp phép khai thác các mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng và công tác quy hoạch tại tỉnh Ninh Bình vừa được Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy ký ban hành.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm về quản lý đất đai ở Ninh Bình - 1

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy chủ trì buổi công bố kết luận thanh tra (Ảnh: TTCP).

Đụng đâu sai đó

Kết luận cho thấy, Ninh Bình có 65 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa với gần 392ha đất. Sau khi cổ phần hóa, các doanh nghiệp được chuyển sang thuê đất trả tiền hàng năm, không thay đổi mục đích sử dụng đất.

"Việc thực hiện bán đấu giá tài sản và quyền sử dụng đất đối với 62 cơ sở nhà đất khi chưa có phương án sắp xếp là không đúng Nghị định số 167/2017 của Chính phủ và các quyết định (số 09/2007, 10/2008) của Thủ tướng Chính phủ", kết luận thanh tra nêu.

Thanh tra Chính phủ phát hiện Ninh Bình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại 425 khu dân cư, điểm dân cư nông thôn với tổng diện tích hơn 700ha, nhưng giai đoạn trước tháng 8/2018, UBND tỉnh Ninh Bình không phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định của Chính phủ để làm cơ sở triển khai thực hiện đầu tư các khu dân cư, điểm dân cư nông thôn.

Tỷ lệ xây dựng nhà tại các khu đấu giá quyền sử dụng đất thấp (24,74%), diện tích đất ở chưa xây dựng nhà còn nhiều (gần 282ha) - chưa phát huy được hiệu quả sử dụng đất.

Đến hết năm 2022, tổng diện tích đất công ích ở Ninh Bình khoảng 5.500ha, chủ yếu cho các hộ gia đình, cá nhân thuê diện tích nhỏ lẻ để sản xuất nông nghiệp không thông qua đấu giá, với thời gian thuê từ 1 đến 5 năm, đơn giá cho thuê không thống nhất mà do các xã quyết định.

59 dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng chưa được Ninh Bình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, chủ yếu do chưa kê khai cấp giấy chứng nhận, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Việc dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp chưa được thực hiện tối ưu, còn diện tích đất công ích lớn bị phân tán, nhỏ lẻ, sử dụng kém hiệu quả. Đến thời điểm thanh tra mới có 31/131 xã đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tỷ lệ đạt gần 9,8%, chưa đảm bảo các nội dung quản lý nhà nước theo Luật Đất đai 2013.

"Các dự án chậm tiến độ chưa được công khai trên Trang thông tin điện tử của tỉnh Ninh Bình. Đến thời điểm thanh tra còn 75 dự án chậm tiến độ chưa được xử lý xong. 12 dự án đã được thu hồi đất, giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai, chậm thực hiện. Tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có 27 dự án đầu tư thứ cấp chậm tiến độ từ 1-6,5 năm, nhiều dự án chậm tiến độ vẫn chưa được xử lý", thanh tra nêu thực trạng ở Ninh Bình.

Về vi phạm đất đai, Thanh tra Chính phủ kết luận 942 công trình, dự án phục vụ về đích nông thôn mới có nguồn gốc đất công ích, đất do nhân dân tự nguyện hiến nhưng chưa hoàn thành thủ tục đất đai, tiềm ẩn khiếu kiện sau này.

320 trường hợp hộ gia đình, cá nhân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp với 91,3ha; 197 trường hợp lấn chiếm đất công, xây dựng công trình không phép, tồn tại kéo dài nhưng chưa được xử lý.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm về quản lý đất đai ở Ninh Bình - 2

Thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình (Ảnh: Công Thương).

Yêu cầu rà soát, xử lý hàng loạt dự án

Thanh tra Chính phủ yêu cầu tỉnh Ninh Bình kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật về đầu tư tại các dự án: Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Thái; Nhà máy chế biến gỗ cao cấp tại xã Xích Thổ, huyện Nho Quan; Nhà hàng và cơ sở sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch, xã Gia Vân, huyện Gia Viễn; Khu kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hà Thành (Phước Lộc); Trung tâm thương mại, dịch vụ Tân An; Khu đô thị mới phía bắc TP Ninh Bình và huyện Hoa Lư; Khu dân cư Bình Minh huyện Nho Quan.

Trong đó, căn cứ Luật Đất đai, Luật Đầu tư và quy định của Chính phủ, tỉnh Ninh Bình phải kiểm tra, rà soát, xem xét quyết định việc chấm dứt hoạt động đầu tư Dự án khu du lịch sinh thái hồ Đồng Thái theo thẩm quyền.

Địa phương này tiến hành rà soát, xác định lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính đúng, tính đủ, không để thất thoát ngân sách Nhà nước với các dự án: Trung tâm liên hợp du lịch và thể thao sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng; Chợ đầu mối tổng hợp TP Ninh Bình; Bến xe khách phía đông TP Ninh Bình và dịch vụ hỗ trợ vận tải; Trung tâm thương mại, dịch vụ Tân An; các cụm công nghiệp Gia Vân, Gia Phú và Khánh Thượng.

Thanh tra Chính phủ đề nghị rà soát, xử lý theo quy định pháp luật các vi phạm về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, điển hình như tại thời điểm chấp thuận chủ trương đầu tư chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Dự án khu du lịch sinh thái và biệt thự Golden Cúc Phương, huyện Nho Quan.

Ninh Bình cần rà soát, xử lý theo quy định việc chuyển nhượng đất nông nghiệp của 81 dự án khi chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa đủ điều kiện theo quy định.

Trong đó, kết luận nhấn mạnh các dự án được thanh tra, gồm: Chợ đầu mối TP Ninh Bình; Khu kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hà Thành (Phước Lộc); Nhà hàng và cơ sở sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch, xã Gia Vân, huyện Gia Viễn; Kho xăng dầu Hà Anh; Nhà máy chế biến gỗ cao cấp, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan.

Không để thất thoát ngân sách

Giai đoạn 2011-2022, UBND tỉnh Ninh Bình bị kết luận chậm phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; quy định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; chậm ban hành quy định về đấu giá thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo thẩm quyền.

13 dự án được cấp phép từ năm 2011-2019 nhưng đến thời điểm thanh tra chưa được giao đất ký hợp đồng thuê đất. Một số dự án khai thác chưa đúng thiết kế được phê duyệt, chưa lắp đặt trạm cân; nhận chuyển nhượng và chưa chuyển mục đích sử dụng đất…

"Việc theo dõi nguồn thu từ hoạt động khoáng sản giữa các cơ quan thuế chưa chặt chẽ, số liệu chưa được cập nhật thường xuyên, chưa thống nhất với số liệu thực nộp của một số chủ đầu tư dự án", thanh tra kết luận.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu Cục Thuế tỉnh Ninh Bình kiểm tra, có giải pháp quản lý chặt chẽ nguồn thu từ hoạt động khoáng sản, chịu trách nhiệm tính đúng, tính đủ các khoản thuế, phí không để thất thoát ngân sách.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm