Thanh tra Chính phủ cấm cán bộ tự ý mang tài liệu mật về nhà
(Dân trí) - “Không được tự ý mang tài liệu mật ra ngoài cơ quan hoặc mang về nhà riêng. Ngoài giờ làm việc phải cất tài liệu mật vào tủ, bàn, két khóa chắc chắn. Tài liệu độ “Tuyệt mật”, “Tối mật” phải được cất giữ bảo quản riêng, có người phụ trách do thủ trưởng cơ quan cơ quan, đơn vị chỉ định”.
Đó là một trong những nội dung của Thông tư 04/2015 quy định công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành thanh tra (thay thế Quyết định số 1657/2005 của Tổng Thanh tra ban hành Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Thanh tra) vừa được Thanh tra Chính phủ ban hành.
Theo Thông tư 04, những hành vi bị nghiêm cấm gồm: Thu thập, cung cấp, làm lộ, làm mất, chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tiêu hủy trái phép tài liệu, vật mang bí mật nhà nước; truyền tin mang nội dung bí mật nhà nước qua máy điện thoại, máy phát sóng, điện báo, máy fax, mạng máy tính, internet hoặc các phương tiện truyền tin khác khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép; trao đổi, cung cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tài liệu, vật mang bí mật nhà nước hoặc mang tài liệu, vật mang bí mật nhà nước ra nước ngoài khi chưa được phép của người có thẩm quyền; sao chụp tài liệu mật; ghi âm, ghi hình thông tin, hình ảnh mang nội dung bí mật nhà nước khi chưa được phép của người có thẩm quyền; sử dụng máy tính hoặc các thiết bị khác có kết nối mạng internet để soạn thảo, đánh máy, lưu giữ thông tin, tài liệu, vật mang bí mật nhà nước; cắm thiết bị lưu giữ bí mật nhà nước vào máy tính có kết nối mạng internet...
Thông tư 04 quy định Tổng Thanh tra Chính phủ phê duyệt việc in, sao, chụp và cung cấp thông tin, tài liệu, vật mang bí mật nhà nước độ “Tuyệt mật” và độ “Tối mật”. Chánh văn phòng Thanh tra Chính phủ, Chánh thanh tra cấp bộ, Chánh thanh tra cấp tỉnh phê duyệt việc in, sao, chụp và cung cấp thông tin, tài liệu, vật mang bí mật nhà nước độ “Mật” (không được ủy quyền lại cho người khác). Ngoài ra, thủ trưởng các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ theo ủy quyền của Tổng Thanh tra Chính phủ, Chánh thanh tra cấp bộ, Chánh thanh tra cấp tỉnh quyết định việc tiêu hủy tài liệu, vật mang bí mật nhà nước (không được ủy quyền lại cho người khác).
Việc giải mật chỉ được xem xét khi nội dung của tài liệu nếu bị tiết lộ không còn gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự thủ tục giải mật tài liệu mật thực hiện theo quy định của Chính phủ và Bộ Công an.
Vào quý I hàng năm, thủ trưởng các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan thanh tra nhà nước phải xem xét danh mục bí mật nhà nước thuộc phạm vi đơn vị mình quản lý, trường hợp thấy cần thay đổi độ mật, cần giải mật hoặc xác định những nội dung bí mật mới thì báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung danh mục bí mật nhà nước theo quy định.
Việc soạn thảo, đánh máy, in, sao, chụp tài liệu mật phải được tiến hành ở nơi an toàn do thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý tài liệu mật quy định. Trong một số trường hợp đặc biệt, việc soạn thảo phải được thực hiện trên hệ thống trang thiết bị đã qua kiểm tra và đủ điều kiện đảm bảo an toàn, bảo mật.
Đối với vật mang bí mật nhà nước như băng, đĩa, phim,.. phải được niêm phong, có văn bản ghi rõ tên cụ thể vật lưu kèm và đóng dấu mức độ mật vào văn bản này.
Tài liệu mật phải được cất giữ, bảo quản nghiêm ngặt tại nơi bảo quản an toàn tuyệt đối, do thủ trưởng cơ quan đơn vị quy định. “Không được tự ý mang tài liệu mật ra ngoài cơ quan hoặc mang về nhà riêng. Ngoài giờ làm việc phải cất tài liệu mật vào tủ, bàn, két khóa chắc chắn. Tài liệu độ “Tuyệt mật”, “Tối mật” phải được cất giữ bảo quản riêng, có người phụ trách do thủ trưởng cơ quan cơ quan, đơn vị chỉ định”- thông tư 04 nêu rõ.
Thông tư 04 có hiệu lực từ ngày 15/9/2015.
Thế Kha