1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Thành phố Hồ Chí Minh - 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập”

(Dân trí) - Ngày 30/4/1975, Sài Gòn giải phóng, đất nước thống nhất. Chiến thắng như huyền thoại ấy thấm bao máu và nước mắt; biết bao hy sinh, cống hiến của lớp lớp người đi trước...

Ngày 17/3, Thành ủy TPHCM đã tổ chức hội thảo khoa học: “Thành phố Hồ Chí Minh – 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập”. Đây là việc làm thiết thực nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 40 năm giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Giáo sư Vũ Khiêu, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải… cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan ban ngành Trung ương, địa phương, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, học giả… cùng tham dự hội thảo.

Các đại biểu trao đổi với GS Vũ Khiêu (trái) bên lề hội thảo khoa học

Các đại biểu trao đổi với GS Vũ Khiêu (trái) bên lề hội thảo khoa học

Trong diễn văn khai mạc, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, cách nay 40 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của cả dân tộc, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 – Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Tổ quốc thống nhất, Bắc – Nam sum họp một nhà, cả nước tiến hành xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

Cùng với miền Nam, ngày 30/4/1975, Sài Gòn giải phóng. Chiến thắng như huyền thoại ấy thắm bao máu và nước mắt, bao gian khổ, hy sinh của đồng bào, đồng chí, lớp lớp thanh niên thành phố và khắp các tỉnh thành, các vùng căn cứ của Khu ủy, Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định.

“Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giành độc lập vĩ đại của dân tộc luôn là đề tài phong phú cho nhiều cuộc hội thảo. Nhiều bài học vô giá đã được đúc kết. Vì vậy, hội thảo khoa học: “Thành phố Hồ Chí Minh – 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập” nhằm đánh giá đúng mức những thành tựu đạt được, những khó khăn, hạn chế, yếu kém để khắc phục, rút ra những kinh nghiệm và tầm nhìn cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và hội nhập trong thời kỳ mới”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.

Phương hướng nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới, thành phố mang tên Bác đặt mục tiêu xây dựng theo hướng văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á; góp phần tích cực đưa nước ta trở thành đất nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, qua 40 năm xây dựng, hội nhập, phát triển, TPHCM đã đạt những thành tựu to lớn, toàn diện. Tuy chỉ chiếm 0,6% về diện tích tự nhiên và 8,8% dân số cả nước nhưng đến năm 2014, TPHCM đóng góp 21,7% GDP cả nước, 30,3% tổng thu ngân sách Nhà nước, 29,8% khu vực dịch vụ, 29,8% khu vực công nghiệp xây dựng, 21,4% giá trị kim ngạch xuất khẩu, 20,7% giá trị kim ngạch nhập khẩu, 22,3% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, mức thu nhập bình quân của người dân thành phố năm 2014 đạt 5.131 USD, bằng 2,5 lần so với bình quân đầu người của cả nước.

Hội thảo thu hút hơn 100 tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu...

Hội thảo thu hút hơn 100 tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu...

Trong giai đoạn tới, TPHCM tập trung khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao (cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược – cao su; chế biến tinh lương thực, thực phẩm)…

Trao đổi riêng với PV Dân trí bên lề hội thảo, GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, một trong những vấn đề cá nhân ông quan tâm đó chính là thực tiễn rất sinh động của TPHCM trong việc nhận thức vai trò của nhà nước và thị trường cũng như giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Từ đó đóng góp những vấn đề về lý luận hết sức thuyết phục cho việc hình thành hệ giá trị cũng như đường lối đổi mới của đất nước, nhất là trong vấn đề hoàn thiện thể chế và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

“Bài học của TPHCM đó là vấn đề sản xuất kinh tế hàng hóa, phát triển nhiều thành phần kinh tế, bài học về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra môi trường cạnh tranh tự do và bình đẳng cho các thành phần kinh tế. Bài học về việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, sử dụng các nguồn lực của nhà nước, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và phát huy vai trò các công cụ của nhà nước trong điều tiết phát triển nền kinh tế thị trường… Đó là những vấn đề chúng tôi hết sức quan tâm và chú trọng nghiên cứu không chỉ cho giai đoạn hiện nay mà cho việc sắp tới thảo luận và hoàn thiện các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc”, ông Vương Đình Huệ nói.

Công Quang