An Giang:
Thành lập Hiệp hội cá tra Việt Nam
(Dân trí) - Sau 4 năm lấy ý kiến, ngày 2/3, tại TP. Long Xuyên (An Giang), Hiệp hội Cá tra Việt Nam chính thức được thành lập với sự chứng kiến của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ NN và PTNT, Hiệp hội nghề cá Việt Nam, đại diện các tỉnh khu vực ĐBSCL.
Ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, kiêm trưởng ban vận động thành lập Hiệp Hội cá tra Việt Nam, cho biết, sau 4 năm vận động và lấy ý kiến các tỉnh có thế mạnh về ngành cá tra đều đồng thuận là phải thành lập hội để siết lại ngành nghề này. "Hiệp hội được thành lập chúng tôi rất vui mừng và kỳ vọng con cá tra của Việt Nam sẽ không còn “lận đận” như thời gian qua." - ông Năng nói.
Theo đó, Hiệp hội cá tra Việt Nam có 143 hội viên ở các tỉnh thành tham gia vào quá trình thành lập hiệp hội. Mục tiêu của hiệp hội từ 2013 - 2015 là đưa sản lượng nuôi cá nguyên liệu đạt 1,2 - 1,5 triệu tấn, sản lượng phẩm xuât khẩu đạt 1,8 - 2,25 tỷ USD, tạo việc làm ổn định cho 23.000 lao động.
Nhiều nông dân nuôi cá tra ở ĐBSCL rất kỳ vọng vào Hiệp hội cá tra Việt Nam sẽ giúp ngành cá tra phát triển ổn định
Đại hội đã bầu Ban chấp hành Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2015 gồm 47 đại biểu, trong đó ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam được các thành viên tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam và 4 phó chủ tịch Hiệp hội, gồm: ông Võ Hùng Dũng, ông Nguyễn Văn Kịch, ông Doãn Tới, ông Trần Trung Ngươn, Hồ Văn Vàng.
Ngoài ra, tại Hội nghị, các đại biểu tham dự nêu ra các vấn đề then chốt nhằm đưa cá tra Việt Nam phát triển bền vững gồm: Chấm dứt tình trạng nguyên liệu cá tra lúc thừa lúc thiếu; cơ cấu lại các doanh nghiệp xuất khẩu. Doanh nghiệp xuất khẩu không được cấu kết với khách hàng xấu, bán cá tra không đạt chất lượng phá giá làm cá tra mất uy tín trên thương trường… Người nuôi cá cần được minh bạch về giá và hỗ trợ nhiều hơn từ các chính sách vĩ mô, nhất là vốn và giá bán, cho tính giá sàn cá tra như lúa gạo. Đặc biệt là trao cho Hiệp hội cá tra Việt Nam có quyền chế tài xử lý đối với các nhà máy xuất khẩu không đảm bảo chất lượng.
Với điều kiện tự nhiện thuận lợi, ngành nuôi trồng thủy sản của vùng ĐBSCL đã có sự phát triển tăng tốc trong nhiều năm qua, đặc biệt là con cá tra. Theo báo cáo của Bộ NN và PTNT, tính đến ngày 31/12/2012 tổng diện tích nuôi cá tra toàn vùng đạt 5.910ha, sản lượng đạt 1.285.500 tấn; so với năm 2011, diện tích nuôi tăng thêm 450 ha, những giữ vững diện tích ở mức 6.000 ha, tập trung chấn chỉnh xuất khẩu, các doanh nghiệp yếu kém làm ăn gian dối. Cân đối cung cầu cá tra nguyên liệu. Rà soát, quy hoạch chặt chẽ lại vùng nuôi,… giúp ngành cá tra phát triển bền vững, ổn định.
Nguyễn Hành