Nghệ An:
Thành lập đoàn kiểm tra sự việc dân ồ ạt kéo nhau vào rừng “”săn” gỗ Pơmu
(Dân trí) - Chiều 25/2, ông Hoàng Quốc Việt - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho PV Dân trí biết đã thành lập đoàn kiểm tra sự việc nói trên.
Theo ông Hoàng Quốc Việt sau khi báo chí phản ánh, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các ngành liên quan kiểm tra sự việc. Còn việc kiểm tra và kết luận cụ thể như thế nào còn chờ đợi cơ quan chức năng và lực lượng liên quan được giao nhiệm vụ sẽ có báo cáo cụ thể.
Còn ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cũng cho PV Dân trí biết đã lập đoàn và cử các lực lượng liên quan có mặt tại bản Cắm, xã Cắm Muộn để rà soát tình hình cụ thể.
“Chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra sự việc báo Dân trí phản ánh. Theo báo cáo của anh em thì gỗ mà người dân nói trên không phải là gỗ Pơmu”, ông Giáp cho biết.
Như Dân trí đã phán ánh trong những ngày qua tình trạng hàng chục tiểu thương lên bản Cắm, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong (Nghệ An) để mua gốc gỗ Pơmu với giá từ 10.000 ngàn/10kg. Tiếp theo đó, người dân địa phương đã đồn thổi và "đua nhau" vào rừng để "săn" những gốc gỗ được cho là gốc Pơmu già đem về bán.
Chiều tối ngày 24/2 (vào lúc 17h30’), PV đã vào vai thương lái đi mua gỗ quý trở lại bản Cắm, xã Cắm Muộn để tìm hiểu thêm sau sự việc những ngày qua người dân tại đây đổ xô đi “săn” gỗ gốc Pơmu xem như thế nào.
Mặc dù, con đường đi vào bãi tập kết “tận thu” gỗ quý đã bị phong tỏa, tuy nhiên trong một số hộ dân vẫn còn có nhiều gốc cây gỗ quý(?). Khi PV hỏi mua thì mọi người vẫn bảo bán được và sẽ vận chuyển ra ngoài cho các chủ mua.
Tại thời điểm PV “vi hành” thì khu vực bản Cắm hết sức phức tạp. Bởi sau khi thông tin báo chí phản ánh thì lực lượng kiểm lâm, công an huyện vào cuộc phong tỏa hiện trường….
Khi lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ, thì có hàng trăm người dân địa phương ra hô hào phản đối, cản trở lực lượng làm nhiệm vụ.
"Nếu việc khai thác có nguồn gốc từ tự nhiên, không có nguồn gốc hợp pháp đều vi phạm về quy định quản lý lâm sản của nhà nước. Để giải quyết tận gốc việc này, chúng tôi sẽ kiểm tra, nếu gỗ có nguồn gốc từ việc giao rừng theo Nghị định 163, trách nhiệm của kiểm lâm và địa phương phải hướng dẫn người dân lập hồ sơ khai thác đúng với quy định", một cán bộ kiểm lâm Quế Phong cho biết.
Hiện các ngành chức năng đã thu được một lượng lớn gốc gỗ quý trên và đang làm các thủ tục để bàn giao cho kiểm lâm tiếp tục xử lý.
Một số hình ảnh gỗ "quý" được người dân Cắm Muộn đi săn về bán cho thương lái:
Nguyễn Duy