Thanh Hóa: Mưa lũ khiến 16 người chết và mất tích, thiệt hại gần 700 tỷ đồng
(Dân trí) - Số người chết do mưa lũ tại Thanh Hóa vẫn không ngừng tăng lên, đến nay địa phương này đã có 8 người chết, 8 người còn mất tích và thiệt hại do mưa lũ đã lên đến gần 700 tỷ đồng.
Theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, tính đến chiều ngày 7/8, mưa lũ đã khiến 8 người chết (Mường Lát 3 người, Quan Sơn 5 người); 8 người còn mất tích (đều ở Quan Sơn).
Chiều ngày 6/8, trên địa bàn huyện Quan Sơn, các lực lượng chức năng đã tìm thấy 2 phần thi thể người chết không còn nguyên vẹn. Hiện nay, UBND huyện Quan Sơn đang đề nghị Công an tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ giám định, xác định danh tính người bị nạn.
Bên cạnh đó, mưa lũ đã khiến 85 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 10 nhà bị thiệt hại rất nặng, 301 nhà bị thiệt hại một phần, 1.282 nhà bị ngập và có 33 hộ phải di dời khẩn cấp.
Hàng chục công trình giáo dục, y tế, văn hóa bị thiệt hại. Nhiều công trình thủy lợi, giao thông bị hư hỏng. Ngoài ra, hàng nghìn diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, cây lâm nghiệp bị thiệt hại...
Tổng thiệt hại ban đầu do mưa lũ gây ra tại nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa ước tính khoảng 685 tỷ đồng.
Nhiều tài sản bị cuốn trôi, vùi lấp tại bản Sa Ná, xã Na Mèo.
Để vận chuyển hàng hóa cứu hộ; thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả do mưa lũ, Quân khu 4 đã chỉ đạo Lữ đoàn Công binh 414, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa lắp ghép cầu phao dã chiến bắc qua sông Luồng lưu thông vào bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã điều động 550 chiến sĩ và chỉ đạo các Đồn biên phòng; Công an tỉnh Thanh Hóa huy động 200 cán bộ chiến sĩ; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh huy động 4.331 lượt cán bộ, chiến sĩ (trong đó 856 lượt lực lượng thường trực, 3.475 lượt dân quân tự vệ) để phối hợp với huyện Mường Lát, Quan Sơn tìm kiếm, cứu hộ người bị nạn do mưa lũ gây ra.
Sở Công Thương đã huy động gần 3.000 thùng mì tôm, 273 kg lương khô, hơn 6.000 lít nước khoáng đóng chai để hỗ trợ cho huyện Quan Sơn; 20 tấn gạo tẻ, gần 2.000 thùng mì tôm để hỗ trợ cho huyện Mường Lát.
Đồng thời, chỉ đạo các chủ hồ thủy điện chủ động vận hành an toàn các hồ đập thủy điện, đảm bảo đúng quy trình; dự trữ hàng hóa đảm bảo phục vụ cứu trợ, ổn định đời sống nhân dân; quản lý thị trường chống đầu cơ, nâng giá.
Chính quyền các địa phương đã tập trung chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, dân quân tự vệ giúp nhân dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, tổ chức sơ tán dân, tu sửa, vệ sinh nhà cửa, sớm ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân; tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình người bị nạn, mai táng người bị chết; tập trung huy động lực lượng, phương tiện để tìm kiếm người mất tích, tu sửa, khắc phục các sự cố về giao thông.
Số người chết:
- Anh Vàng A Lâu (SN 1986, quê huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La)
- Thao Văn Súa (SN 1986, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát)
- Ngân Văn Niệp (SN 1974, bản Muống, xã Sơn Thủy, Quan Sơn)
- Lò Thị Quạn (SN 1983, bản Sa Ná, xã Na Mèo, Quan Sơn)
- Thao Văn Ly (SN 1974, bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy, Quan Sơn)
- Ngân Văn Niệp (SN 1974), bản Muống, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn
- Hà Văn Quỳnh (SN 2009), bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn
- Thao Văn Chính (SN 2009), bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn
Số người mất tích:
- Hà Văn Tiệu (SN 1964)
- Hà Văn Chấn (SN 2012)
- Hà Thị Vững (SN 1988)
- Vi Thị Sống (SN 1990)
- Hà Thị Thăm (SN 1964)
- Ngân Văn Kiêm (SN 1971)
- Vi Thị Ọi (SN 1973)
- Hoàng Gia Long (SN 2019)
Ngoài ra, có 5 người dân bản Sa Ná bị thương:
- Ngân Công Việt (SN 2009)
- Hoàng Xuân Luyến (SN 1974)
- Nguyễn Minh Lâm (SN 2004)
- Lương Văn Chon (SN 1967)
- Phạm Thị Tuyên (SN 1980)
Một số hình ảnh lực lượng chức năng giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, tìm kiếm người mất tích và cứu trợ tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn:
Duy Tuyên