Ký ức kinh hoàng về trận lũ lịch sử: “Người ôm con chạy, nhà cửa nổi lên như bè”
(Dân trí) - Giữa đống hoang tàn, đổ nát vang lên những tiếng khóc than ai oán của bà con nơi bản làng vùng biên Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa). Cây cối, đất đá ồ ạt đổ xuống cùng với nhà cửa trôi theo dòng lũ. Nhiều người cuống cuồng bỏ chạy vào rừng, hiện vẫn còn 10 người mất tích...
Hơn 20 ngôi nhà bị san phẳng trong phút chốc
Sau nhiều nỗ lực vượt quãng đường hơn 200km, phóng viên Dân trí đã tiếp cận được bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn. Nơi đây vừa trải qua trận lũ lịch sử mà theo bà con dân bản là hàng chục năm qua, chưa khi nào lũ lớn và bất ngờ đến vậy.
Bản Sa Ná có 72 ngôi nhà của bà con đồng bào dân tộc Thái, được chia làm 3 tổ. Trong đó, tổ 3 gồm có 30 hộ gia đình sinh sống ngay cạnh dòng suối Son. Trận lũ lịch sử xảy ra vào sáng ngày 3/8, cuốn trôi 24 ngôi nhà của bà con ở tổ 3, bản Sa Ná, cùng 14 người.
“Mất hết rồi, không còn gì nữa”... Đó là câu nói của những người dân bản Sa Ná. Vừa đi làm ăn xa nghe tin bản bị lũ cuốn, chị Vi Thị Chung trở về, từ xa hướng mắt về bãi cát trống bên bờ suối Son, nghẹn ngào: “Nhà cửa trôi hết rồi còn đâu nữa”.
Băng qua con suối Son, nước vẫn còn đục ngầu, chảy cuồn cuộn, chúng tôi gặp một người phụ nữ ngồi thất thần trên khúc gỗ từ rừng trôi ra nằm lại trên bãi cát. “Nhà bị cuốn trôi hết rồi, chả còn gì nữa, hết tả nổi rồi, đi rất nhanh”. Chị là Vi Thị Hợp (31 tuổi) hướng mắt về căn nhà chỉ còn lại nền móng của gia đình nghẹn ngào nói.
Đứng cạnh đó, anh Lương Văn Định bàng hoàng nhớ lại: “Mọi lần nước chỉ tràn vào ruộng tý thôi. Khi nước lên lần thứ nhất, tôi định chạy sang dọn dẹp với bà con. Nhưng chỉ một lúc sau, thấy cây gỗ rồi nước đục phun lên. Tôi chỉ biết đứng bên này la hét mọi người chạy nhưng do lũ ầm ầm ập đến không ai nghe. Tôi cởi áo mưa ra để làm hiệu cho mọi người chạy”.
Đọng lại trong ký ức của anh Định giờ đây chỉ là những cảnh tưởng kinh hoàng mà bao nhiêu năm qua, chưa bao giờ người dân trong bản Sa Ná có thể nghĩ tới: “Dòng suối Son này lâu nay nước chảy nhỏ. Từ thời ông cha cũng chưa bao giờ bị như thế này. Hôm đó, lũ đến, người thì ôm con, người ôm cháu chạy, còn nhà cửa thì nổi lên như bè”.
Hơn 20 ngôi nhà của bà con dân bản đã bị san phẳng chỉ trong phút chốc. Còn trong số 14 người bị nước lũ cuốn trôi, đã có 4 người may mắn được lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cứu sống. Hiện, vẫn còn 10 người đang mất tích sau cơn lũ quét qua.
Ngồi thẫn thờ bên căn nhà đổ nát của gia đình mình, chị Vi Thị Cư (SN 1987) vẫn còn bị ám ảnh bởi cảnh tưởng lúc cơn lũ ập đến. Trước đó, cả đêm mưa to, chị không ngủ được. Sáng dậy khoảng 6h, nước lên, những gia đình ở dọc bờ suối tập trung cứu tài sản.
“Sau đó, nước lớn ào về, không ai kịp trở tay, cả nhà tôi ôm con và hô hào nhau chạy vào rừng. Lũ chỉ xảy ra trong khoảng 10 phút mà cuốn trôi hết, quá nhanh nên không ai còn kịp nhìn ai”, chị Cư nhớ lại cảnh tượng hãi hùng.
Những tiếng khóc ai oán nơi bản làng vùng biên
Hiện nay, để vào được bản Sa Ná, ngoài dùng ca nô vượt qua sông Luồng thì chỉ còn cách đi qua thôn Xuân Thành, xã Sơn Thủy rồi từ đây đi bộ vượt quãng đường rừng khoảng 10 km để đến bản. Con đường dẫn vào trung tâm bản chỉ toàn là bùn đất, cây gỗ nằm ngổn ngang.
Với người dân bản Sa Ná giờ đây không còn gì ngoài những ký ức kinh hoàng trước khung cảnh “cơn đại hồng thủy” bất ngờ quét qua để lại. Nhà cửa lần lượt bị xô đổ, người dân thi nhau chạy vào rừng thoát thân, nhiều người không kịp chạy đã bị dòng lũ cuốn trôi.
Đến chiều ngày 4/8, bản Sa Ná vẫn đang bị chia cắt, cô lập, các hộ dân có nhà bị cuốn trôi, đổ sập đang trong tình trạng thiếu nước sạch và các nhu yếu phẩm khác.
Dọc trên bãi cát ven dòng suối Son, đây đó còn sót lại những nền nhà và những đống đổ nát, tan hoang. Những người dân mất nhà chỉ còn biết ngơ ngác đứng nhìn.
Những tiếng khóc than ai oán trước cảnh nhà mất, người thân bị lũ cuốn trôi vang lên hòa lẫn với tiếng nước lũ của dòng suối Son khiến khung cảnh nơi bản làng vùng biên trở nên thê lương hơn. Đau đớn nhất là trường hợp gia đình anh Hà Văn Vân khi một lúc mất đi 6 người thân gồm bố mẹ, chị gái, vợ cùng 2 con thơ.
Rời bản Sa Ná khi cơn mưa chiều bắt đầu đổ xuống nơi bản làng vùng biên này như trút thêm nỗi lo lắng cho người dân bản. Hình ảnh tang thương, đổ nát vẫn còn đó và bao khó khăn vất vả còn đón đợi người dân Sa Ná ở phía trước...
Duy Tuyên