Thanh Hóa: Hàng nghìn người dân vẫn bị cô lập trong lũ
(Dân trí) - Đã nhiều ngày qua, gần 1.700 người dân ở huyện miền núi Quan Hóa, Thanh Hóa vẫn đang bị cô lập trong trận lũ vừa qua. Theo dự báo thì những ngày tới, nhiều bản vẫn tiếp tục bị cô lập chưa thể tiếp cận được.
Những ngày qua, trên địa bàn huyện miền núi Quan Hóa tuy không mưa lớn, nhưng nước từ thượng nguồn sông Mã đổ về đã gây ra cảnh ngập lụt, chia cắt nhiều địa bàn trong huyện này.
Giao thông từ thị trấn Hồi Xuân lên các xã vùng cao vẫn còn rất khó khăn. Trong đó quốc lộ 15A vẫn bị chia cắt nhiều đoạn. Sau hơn 1h đồng hồ vật lộn với con đường sình lầy, chúng tôi cũng đã có mặt tại xã Thanh Xuân, mặc dù địa phương này chỉ cách thị trấn hơn 12km. Tại xã Thanh Xuân, có đoạn nước vẫn ngập sâu hơn 1m, khiến phương tiện giao thông không thể qua được.
Để hỗ trợ bà con lưu thông bằng phương tiện thô sơ qua đoạn bản Éo, xã Thanh Xuân, nằm trên quốc lộ 15A, người dân trong xã đã cùng nhau đóng bè mảng và thay phiên nhau túc trực để vận chuyển người và phương tiện qua đây.
Theo ông Phạm Hồng Tia - Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân cho biết: “Thanh Xuân là xã đặc biệt khó khăn, thuộc vùng 135, trong tuần vừa qua, đợt lũ bất ngờ đổ về dâng cao hơn trận lũ lịch sử năm 2007 khoảng 2m. Hiện tại, còn 3 bản là bản Sa Lắng, bả Giá và bản Vui với 336 hộ dân và 1.699 khẩu vẫn đang bị cô lập. Trong đó chỉ có bản Sa Lắng là liên lạc được bằng điện thoại, còn lại các bản đến thời điểm này vẫn chưa có báo cáo gì về tình hình cuộc sống cũng như thiệt hại trong đợt lũ này”.
Ông Tia cho biết thêm, đến thời điểm này, bà con nhân dân ở các bản nêu trên đã trải qua 3 ngày bị mất liên lạc, bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Nước sông Mã vẫn đang chảy xiết nên chính quyền địa phương và UBND huyện Quan Hóa đã chỉ đạo ngăn cấm người dân đi lại bằng bè mảng và kể cả xuồng không được qua sông để đảm bảo an toan tính mạng.
Trong trường hợp mưa không tiếp diễn và lũ thượng nguồn không tiếp tục đổ về, cũng phải mất khoảng 3 - 4 ngày nữa mới có thể tiếp cận được các bản bị cô lập. Phương châm của chính quyền địa phương là không bỏ dân.
Nếu tiếp cận bằng đường sông trước mắt là rất khó, nhưng để vào các bản này, chỉ có con đường đi bộ và xuyên rừng mất khoảng hơn 50km.
Theo chính quyền địa phương, hiện tại, vấn đề lương thực, thực phẩm và thuốc men đối với bà con ở các khu vực trên vẫn đang phải tự cung, tự cấp. Chính quyền địa phương cũng đang rất lo lắng về đời sống của bà con ở đây nhưng chưa có giải pháp nào để tiếp cận, tất cả cũng chỉ trông chờ vào thời tiết.
Trong đợt lụt vừa qua, trên địa bàn xã Thanh Xuân có 7 căn nhà bị ngập lụt, trong đó có 2 nhà bị nước cuốn trôi. Ngoài ra, nhiều tài sản của người dân cũng như các công trình khác cũng bị thiệt hại, chưa thống kê đầy đủ.
Anh Phạm Hồng Sơn - Trưởng bản Sa Lắng cho biết: “Nhiều tài sản như cầu, dây đu qua sông của bà con bị lũ cuốn trôi. Trong bản cũng có 2 ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Vấn đề lương thực, thực phẩm vì không thể sang sông được nên cũng rất khó khăn. Hôm nay đã là ngày thứ 3 bị chia cắt”.
Còn tại bản Giá, cây cầu cứng của thủy điện Hồi Xuân đầu tư xây dựng qua bản hàng chục tỷ đồng cũng đã bị nước lũ cuốn trôi. Trước khi tiến hành làm cầu, bến phà cũ đã bị di chuyển nên dù nước có trở lại bình thường thì việc tiếp cận bản này cũng là cả vấn đề.
Nhà máy thủy điện Hồi Xuân cũng như chính quyền địa phương hỗ trợ tiền để người dân sắm thuyền qua sông. Tuy nhiên, đó mới là chủ trương, còn trước mắt thì người dân vẫn đang phải cầu trời cho nước rút.
Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện miền núi Quan Hóa chưa ghi nhận tổn thất về người do mưa lũ. Chính quyền huyện này đang tập trung khắc phục hậu quả trận lũ và chỉ đạo các địa phương giúp đỡ, hỗ trợ nhân
dân ổn định cuộc sống.
Duy Tuyên