Thanh Hóa cảnh báo nhiều tuyến đê không an toàn

(Dân trí) - Trong đợt mưa lũ vừa qua, trên các tuyến đê tại Thanh Hóa xảy ra rất nhiều sự cố sạt, trượt, thẩm lậu, đùn sủi... uy hiếp an toàn công trình đê điều, hồ đập... đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân. Trong đó, đê tả sông Chu, đoạn qua xã Thọ Trường, huyện Thọ Xuân xuất hiện vết nứt, sạt trượt kéo dài hàng trăm mét.

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thanh Hóa đã gửi công văn hỏa tốc tới các ngành, địa phương về khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra và chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 11.

Đê sông Bưởi bị tràn trong đợt lữ vừa qua khiến hàng nghìn người dân phải di dời khẩn cấp
Đê sông Bưởi bị tràn trong đợt lữ vừa qua khiến hàng nghìn người dân phải di dời khẩn cấp

Mưa lũ trong những ngày qua đã gây thiệt hại nặng về người, tài sản, hạ tầng công trình cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đến sáng ngày 15/10, đã có hơn 20 người chết và mất tích do mưa lũ, nhiều địa phương vẫn đang bị ngập lụt.

Đặc biệt, trên các tuyến đê xảy ra rất nhiều sự cố sạt, trượt, thẩm lậu, đùn sủi... uy hiếp an toàn công trình đê điều, hồ đập... đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân.

Đê sông Cầu Chày đoạn qua xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân bị lũ khoan thủng
Đê sông Cầu Chày đoạn qua xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân bị lũ "khoan thủng"
Đoạn đê sông Cầu Chày qua xã Thọ Thắng, huyện Thọ Xuân bị tràn 50cm. Ngày 14/10, huyện Thọ Xuân đã phải gia cố thêm để phòng, chống cơn bão số 11
Đoạn đê sông Cầu Chày qua xã Thọ Thắng, huyện Thọ Xuân bị tràn 50cm. Ngày 14/10, huyện Thọ Xuân đã phải gia cố thêm để phòng, chống cơn bão số 11

Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN Thanh Hóa, mặc dù các sự cố công trình bước đầu đã được các địa phương tập trung khắc phục trong lũ theo phương châm “4 tại chỗ”, nhưng chỉ mang tính tạm thời.

Mặt khác, hiện nay các công trình đê điều, hồ đập đã bão hòa nước, nguy cơ hư hỏng công trình dẫn đến mất an toàn do bão số 11 gây ra là rất cao.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa lũ lớn, nước sông Chu dâng cao vượt báo động 3 đã khiến một đoạn đê tả con sông này xuất hiện vết nứt và sạt trượt kéo dài theo mái đê.

Tuyến đê sông Chu bị nứt, sạt trượt kéo dài sau lũ
Tuyến đê sông Chu bị nứt, sạt trượt kéo dài sau lũ

Vết nứt, sạt trượt nêu trên xuất hiện vào sáng ngày 13/10. Theo ghi nhận tại hiện trường, vết nứt, sạt trượt tại km 17 đến km17+250, đoạn qua xã Thọ Trường, huyện Thọ Xuân, dài hơn 250 mét. Vết nứt, sạt trượt chạy dọc theo mái đê rộng khoảng 15cm, sâu khoảng 1,5m.

Ngay sau khi nhận được thông tin trên, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp thị sát và kiểm tra thực trạng của sự cố trên, đồng thời chỉ đạo công tác khắc phục.

Đoạn đê sông Chu đã được gia cố xong vết nứt, sạt trượt
Đoạn đê sông Chu đã được gia cố xong vết nứt, sạt trượt

UBND huyện Thọ Xuân đã huy động toàn bộ các lực lượng khoảng 1.500 người tiến hành gia cố đê. Huyện Thọ Xuân đã huy động 7.000 công lao động, sử dụng 10.000 bao bì đất cát, 3.000 m3 đất…để xử lý vết nứt.

Trước mắt, toàn bộ mái đê bị sự cố này đang được phủ bạt, chặn bao tải cát để tiếp tục đưa vật liệu về gia cố, không cho nước ngấm vào thân đê qua vết nứt.

Đoạn đê từng xảy ra sự cố vỡ đê
Đoạn đê từng xảy ra sự cố vỡ đê

Sau khi nắm bắt thông tin về việc mái đê bị sạt trượt, gây nứt thân đê, thì hàng nghìn người dân ở khu vực phía trong đê sông Chu không khỏi lo lắng, nhất là khi cơn bão số 11 được dự báo sẽ đổ bộ vào khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Trị.

Hiện chính quyền xã Thọ Trường, huyện Thọ Xuân đã lập chốt ngăn không cho các phương tiện qua lại đoạn đê nguy hiểm nêu trên. Trước sự cố của đoạn đê tả sông Chu, UBND huyện Thọ Xuân cũng đã chỉ đạo xã Thọ Trường xây dựng phương án di dời, đảm bảo tính mạng của người dân đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra.

Hiện tại, chính quyền địa phương ngăn đường qua đoạn đê nứt để đảm bảo an toàn
Hiện tại, chính quyền địa phương ngăn đường qua đoạn đê nứt để đảm bảo an toàn

Từ đó, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chủ động lập phương án và khẩn trương tổ chức thực hiện xử lý, khắc phục các sự cố về công trình do đợt mưa, lũ vừa qua gây ra; rà soát, bổ sung vật tư tại chỗ, phương án hộ đê, chống bão, mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất... để chủ động đối phó với bão số 11.

Các thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thanh Hóa trực tiếp xuống địa bàn được phân công phụ trách, đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện khắc phục hậu quả mưa lũ và chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 11.

Duy Tuyên