1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thang máy từng gây chết người lại "trở chứng"

Chiếc thang máy hỏng từng gây chết người tại toà nhà CT3 (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy - Hà Nội) lại tiếp tục khiến cư dân sống tại đây phải “hú hồn” khi ngưng hoạt động trong vòng 2 giờ đồng hồ.

Kiểm định an toàn, nhưng…thang máy vẫn ngưng hoạt động

Theo phản ánh của người dân sống tại tòa nhà CT3, vào sáng 13/10, chiếc thang máy này lại ngừng hoạt động trong vòng 2 giờ đồng hồ, từ khoảng 8h30 – 10h30. Sau đó, hoạt động trở lại nhưng có những tiếng kêu bất thường, khiến cư dân cảm thấy không an toàn khi bước chân vào thang máy.
 
Thang máy từng gây chết người lại "trở chứng" - 1
Thang máy hỏng gây chết người ngừng hoạt động. Ảnh chụp sáng 13/10

Trước đó, ngày 28/9, khoảng 100 người dân sống trong tòa nhà đã đồng loạt kéo Constrexim Holdings để kiến nghị thay thế chiếc thang máy thường xuyên trục trặc. Trong cuộc họp giữa đại diện Constrexim và Ban đại diện tòa nhà, Constrexim Holdings hứa trong 10 ngày sẽ có phương án  khắc phục, đồng thời kiểm tra lại chất lượng thang máy.
 

Tuy nhiên, việc kiểm tra mới chỉ dừng ở khâu thay phím bấm và bản mạch của thang máy. “Chúng tôi yêu cầu Tổng công ty tổ chức thuê một đơn vị kiểm định độc lập để kiểm định 2 thang máy có dự chứng kiến của đại diện cư dân tòa nhà và đưa ra giải pháp mua mới hoặc nâng cấp thang máy khi có kết quả kiểm định”, ông Sơn – đại diện Ban đại diện đề nghị.

Liên quan đến vấn đề thang máy, ngày 7/10, Constrexim Holdings đã có văn bản gửi cho cộng đồng dân cư tại Tòa nhà CT3. Theo đó, phía Constrexim Holdings cho rằng, công tác kiểm định an toàn thang máy định kỳ đã được tuân thủ nghiêm ngặt, có hồ sơ tài liệu đầy đủ và có chứng nhận của cơ quan kiểm định độc lập của Nhà nước.

Kết quả được phía Constrexim Holdings ghi nhận chỉ là “Vẫn còn những điểm chưa đạt yêu cầu như một vài nút bấm bị mất trong quá trình sử dụng chưa được thay thế kịp thời”.

Constrexim Holdings cũng cho biết, đã đầu tư hệ thống ATS đấu nối với máy phát điện dự phòng đảm bảo an toàn khi mất điện lưới. Đơn vị đã lập kế hoạch đào tạo lại cán bộ vận hành và rà soát lại toàn bộ quy trình cứu hộ, quán triệt tới từng cán bộ nhân viên và sẽ phổ biến đến toàn thể cư dân.

“Cho đến nay, về cơ bản các khiếm khuyết đã được khắc phục, hệ thống thang máy đã vận hành bình thường, riêng một số nút bấm phải đặt hàng vì không có sẵn trên thị trường”, phía Constrexim Holdings khẳng định.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân của CT3, chính vì việc kiểm định mới chỉ dừng lại ở kiểm tra nút bấm nên khi thang máy hoạt động vẫn có tiếng kêu bất thường và sáng ngày 13/10, thang máy bên trái (thang máy từng hỏng gây chết người) đã ngừng hoạt động trong vòng 2 giờ đồng hồ, khiến nhiều người dân một lần nữa phải “tim đập chân run”.

Trong khi đó, để khẳng định trách nhiệm của mình, trong văn bản gửi cho cư dân CT3, Constrexim Holdings ghi rõ thêm: “Tại khu Yên Hòa không chỉ có cư dân mà còn hàng trăm cán bộ nhân viên Tổng Công ty Constrexim đang sinh sống và làm việc, vậy nên vấn đề an toàn thang máy luôn luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu”.

Tuy nhiên, dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở và công trình công cộng Yên Hòa - Cầu Giấy - Hà Nội do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Constrexim làm chủ đầu tư có quy mô gần 5 ha bao gồm các chung cư từ 6 - 15 tầng, khu biệt thự, nhà vườn, công trình hỗn hợp, công trình công cộng, khu cây xanh...

“Khu Yên Hòa rộng như vậy, tất nhiên có hàng trăm cán bộ nhân viên Tổng Công ty Constrexim sống là bình thường. Chỉ có điều tại tòa nhà CT3 thì có bao nhiêu người?”, một người dân đặt câu hỏi.

Vừa mưa đã ngập

Không chỉ bức xúc về vấn đề thang máy, theo đơn kiến nghị của người dân sống tại tòa nhà CT3, phường Yên Hòa, hiện hệ thống thoát nước của tòa nhà vẫn chưa được sửa chữa triệt để. Cụ thể, chỉ cần 1 trận mưa là tầng hầm đã trong tình trạng ngập nước.

Hiện tại Tổng công ty Constrexim mới dừng lại ở việc khơi thông cống rãnh, thay các tấm đan. Tuy nhiên, hàng ngày nước thải vẫn chảy vào tầng hầm gây ô nhiễm môi trường thông qua 4 vị trí: 2 vết nứt 2 bên đường xuống tầng hầm, 1 tại cửa sắt phía sau tòa nhà, 1 tại phía trước tòa nhà. Ngoài ra, nước bên ngoài tòa nhà không có lối thoát vẫn gây ra ngập úng.

Tuy nhiên, theo Tổng công ty Constrexim, hệ thống nước khu Yên Hòa đã được đầu tư đồng bộ cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng của dự án. Tuy nhiên, vừa qua có một số điểm tắc cục bộ gần nhà CT3, phía công ty đã chỉ đạo khắc phục ngay lập tức.

“Qua kiểm tra và thực nghiệm đợt mưa vừa qua, hệ thống thoát nước đã vận hàng tốt, Chúng tôi đã yêu cầu đơn vị thay các tấm đan vỡ, các tấm ghi đã han gỉ tại tầng hầm và thường xuyên khơi thông rãnh thoát nước. Chúng tôi tin rằng tình trạng úng ngập sẽ không còn tái diễn”, Tổng công ty Constrexim khẳng định.

Văn bản ghi nhận kết quả trên được Constrexim đề ngày 7/10, thì ngay sau đó, sáng ngày 12/10, theo phản ánh và ảnh chụp của cư dân CT3 thì sau một trận mưa, trên đường nhựa vào nhà CT3 và HH1 đã bị ngập 0,3 – 0,5m.

“Chúng tôi đề nghị Constrexim có giải pháp đấu nối thoát nước cho phía ngoài tòa nhà, xử lý triệt để không để hàng ngày có nước thải chảy vào tầng hầm gây ra ô nhiễm môi trường và xảy ra những rủi ro về điện có mưa to nước tràn vào tầng hầm không kiểm soát được”, Ban đại diện dân cư CT3 đề nghị.

Trước đó, vào khoảng 9h40 phút ngày 21/9, tại tòa nhà CT3, ông Nguyễn Văn Hòa (SN 1955, ở ngõ 113, phố Thụy Khuê, Hà Nội) đang di chuyển trong thang máy thì bỗng thang máy bị mất điện và đột ngột dừng lại ở lưng chừng.

Khi bảo vệ tòa nhà đến thì phát hiện thang máy đang bị treo lơ lửng giữa tầng 4 và tầng 5.

Lực lượng bảo vệ đã tiến hành cạy cửa để đưa nạn nhân ra khỏi thang máy. Khi cánh cửa thang máy vừa mở, nạn nhân phải nằm sát xuống để chui ra.
 
Trong lúc hoảng loạn, nạn nhân nhảy xuống sàn nhà tầng 4 thì bị trượt chân và thụt vào bên trong đường ống, rơi xuống tầng hầm và tử vong tại chỗ.

Theo Châu Anh
VTC