Thăm “vương quốc” rắn lớn nhất Việt Nam
(Dân trí) - Không những là nơi nuôi và bảo tồn các loài rắn quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, trại rắn Đồng Tâm còn là nơi “cải tử hoàn sinh” cho hàng ngàn bệnh nhân bị rắn độc cắn khu vực ĐBSCL và các tỉnh lân cận.
Một con rắn hổ chúa 10 tuổi, nặng 12kg, dài hơn 4m tại trại rắn Đồng Tâm.
“Vương quốc” độc xà
Về thăm trại rắn Đồng Tâm dịp đầu xuân Quý Tỵ, du khách không khỏi ngỡ ngàng và thích thú khi được mãn nhãn với nhiều loại rắn quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Hiện trại rắn Đồng Tâm có hơn 40 loài rắn các loại với hàng ngàn cá thể rắn. Từ các loại rắn hổ nặng hơn 10 kg đến những loài rắn lục nhỏ bé, từ rắn cực độc như hổ ngựa, hổ cạp nong, hổ mai gầm… đến những loài vô hại như rắn gáo, rắn nước… Trong đó, khoảng 5.000 cá thể rắn quý hiếm.
Trung tá, BS. Vũ Ngọc Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu và chế biến dược liệu Quân khu 9, cho biết Trung tâm được thành lập vào ngày 27/10/1977, tiền thân là Xí nghiệp 408, đến năm 1998 được Bộ Quốc phòng đổi tên thành Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu và chế biến dược liệu Quân khu 9 với chức năng bảo tồn, nghiên cứu, cấp cứu và điều trị rắn độc cắn cho quân và dân các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long; khai thác các sản phẩm từ rắn như nọc độc, da, xương… để điều trị khi bị rắn độc cắn, cũng như làm thuốc chữa các bệnh về xương khớp, thuốc bổ dùng cho những người bị suy nhược thần kinh…
Trại rắn Đồng Tâm không những là nơi bảo tồn, nghiên cứu, điều trị cho người bị rắn cắn mà còn là điểm tham quan độc đáo nằm trong tour du lịch Mỹ Tho - cù lao Thái Sơn - trại rắn Đồng Tâm. Hàng năm trại rắn thu hút hàng chục nghàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Ngoài khu nuôi rắn lấy nọc, khu nuôi rắn phục vụ khách tham quan, trại rắn Đồng Tâm còn có khu Bảo tàng rắn lưu giữ tiêu bản của hầu hết các loài rắn hiện đang sống ở Việt Nam.
“Cải tử hoàn sinh” cho người bị rắn độc cắn
Trại rắn Đồng Tâm cũng là một khoa chuyên cấp cứu, điều trị cho người bị rắn độc cắn. Mỗi năm khoa cấp cứu đã điều trị trên dưới 1.000 bệnh nhân, chủ yếu là người dân các tỉnh khu vực ĐBSCL và một số tỉnh lân cận. Hầu hết các bệnh nhân bị rắn độc cắn được chuyển đến đây cấp cứu (nếu tim vẫn còn đập) đều được chữa khỏi tuyệt đối.
Theo Trung tá, BS. Vũ Ngọc Lương, những người bị rắn cắn chủ yếu là người dân nghèo nên khi về đây cấp cứu họ đều được miễn phí tiền viện phí và khám bệnh, chỉ mất tiền thuốc điều trị.
Rất nhiều trường hợp người dân bị rắn độc cắn ở xa, khi đưa đến đây cấp cứu bệnh đã rất nặng, đang cận kề với cái chết. Tuy nhiên, với đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao, hầu hết các bệnh nhân đều thoát khỏi bàn tay tử thần.
“Lúc em L. được chuyển vào phòng cấp cứu, huyết áp lúc đó đo được bằng 0, còn mạch thì thoi thóp. Sau 4 giờ cấp cứu, em L. đã có sự sống trở lại. Khi tôi mở cửa thông báo với mẹ em L. là em đã được cứu sống, người mẹ này đã quỳ ngay xuống cảm tạ khiến chúng tôi vừa ngại ngùng vừa cảm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc khi mình đã cứu thêm được một mạng sống từ tay của tử thần”, BS. Lương hạnh phúc nói.
Năm 1998, Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu và chế biến dược liệu Quân khu 9 được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lao động.
Ngày 14/8/2005, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Bảo tàng Đồng Tâm (thuộc Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu và chế biến dược liệu Quân khu 9) là Bảo tàng rắn đầu tiên ở Việt Nam. |
Ngọc Thụ