1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Thẩm tra luật chống tác hại rượu bia, tôi cũng bị "gán" lobby cho doanh nghiệp”

(Dân trí) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, là lãnh đạo cơ quan thẩm tra dự án luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, bản thân ông cũng bị dư luận "gán", đặt vào nhóm vận động cho lợi ích của doanh nghiệp.

Chiều ngày 10/6, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng thư ký Quốc hội và ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trao đổi với báo chí về việc kết quả xin ý kiến tại Quốc hội thể hiện, quy định "cấm" điều khiển phương tiện giao thông khi có hơi men không có đủ số phiếu quá bán ủng hộ. 

Cụ thể, tại buổi xin ý kiến về những vấn đề còn vướng trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia cả hai phương án quy định việc hạn chế thời gian bán rượu bia và quy định nguyên tắc “đã uống rượu bia là không lái xe” đều chỉ nhận được non nửa số phiếu tán thành của các đại biểu Quốc hội.

Thẩm tra luật chống tác hại rượu bia, tôi cũng bị gán lobby cho doanh nghiệp” - 1

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội

“Với việc Quốc hội biểu quyết như vậy thì đương nhiên chúng ta không đưa vào dự Luật Phòng chống tại hại của rượu, bia những quy định đó mà giữ nguyên quy định điều chỉnh vấn đề này tại Luật Giao thông đường bộ hiện hành. Cụ thể, với người điều khiển ô tô, máy kéo thì vẫn "cấm ngặt", việc uống rượu, bia mà lái xe; còn với mô tô, xe gắn máy, người điều khiển phương tiện vẫn được phép uống trong ngưỡng quy định”, ông Phúc nói.

Trước những nghi vấn về việc các nhà làm luật được tổ chức, doanh nghiệp sản xuất rượu, bia lobby tác động đến dự Luật Phòng chống tác hại rượu, bia, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội trần tình: “Chính tôi cũng bị người ta "gán", đặt vào nhóm vận động cho lợi ích của các doanh nghiệp trong khi dự thảo luật này được giao cho một Phó Chủ nhiệm khác chủ trì thẩm tra”.

Theo ông Lợi quá trình xây dựng Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia bản thân ông cũng được rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước mời chủ trì các hội thảo về các nội dung liên quan nhưng ông không đi dự cuộc nào.

Phó Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, nếu đại biểu đi theo cách doanh nghiệp và các tổ chức mời thì không đúng với tinh thần của cơ quan làm luật và Quốc hội cũng không cho phép việc đó. Còn UB Về các vấn đề xã hội cũng cử một số thành viên đi theo dạng nghiên cứu chính sách do Bộ Y tế mời.

Thẩm tra luật chống tác hại rượu bia, tôi cũng bị gán lobby cho doanh nghiệp” - 2
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Nói thêm về việc lobby chính sách, theo ông Bùi Sỹ Lợi đó là quyền của doanh nghiệp, tổ chức.

“Vấn đề cơ bản là cơ quan soạn thảo luật phải bảo đảm quyền lợi của các bên, chứ không phải doanh nghiệp sản xuất bia, rượu đưa ra yêu cầu nào thì phải làm theo. Ở đây chúng tôi phải tính tới phương án cân bằng tất cả các lợi ích. Và điều quan trọng là phải giữ kỷ cương pháp luật, làm sao để các quy định của luật đạt được yêu cầu, mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”, ông Bùi Sỹ Lợi nói thêm.

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cũng phân tích, không doanh nghiệp, tổ chức nào lobby được tới... 500 đại biểu Quốc hội. Nếu có hiện tượng "lobby" như phản ánh thì theo ông Phúc, doanh nghiệp cũng chỉ mời một vài người đi khảo sát thôi, chứ không thể "lobby" được tất cả các đại biểu.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh nguyên tắc, quy trình xây dựng luật rất chặt chẽ và phải cân bằng đảm bảo quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, nhà nước.

Quang Phong