1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Tham nhũng vẫn hồn nhiên nhảy múa trên lưỡi gươm pháp luật”

(Dân trí) - “Đảng và Nhà nước cực kỳ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo mà dường như tình trạng tham nhũng vẫn tiếp tục hồn nhiên nhảy múa trên lưỡi gươm của pháp luật… Vậy trách nhiệm của cơ quan phòng chống tham nhũng ở đây thế nào, tôi đề nghị cần phải làm rõ”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Ngày 28/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng.

Lỗ hổng lớn làm thất thoát tài sản nhà nước

Phát biểu về vấn đề trên, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cảm thấy rất băn khoăn khi tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cập, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng.

“Đảng và Nhà nước cực kỳ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo mà dường như tình trạng tham nhũng vẫn tiếp tục hồn nhiên nhảy múa trên lưỡi gươm của pháp luật. Phải chăng có tình trạng tham nhũng chồng tham nhũng. Vậy trách nhiệm của cơ quan phòng chống tham nhũng ở đây thế nào, tôi đề nghị cần phải làm rõ”, đại biểu đoàn Bến Tre nói.


Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tình trạng tham nhũng vẫn tiếp tục hồn nhiên nhảy múa...

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tình trạng tham nhũng vẫn tiếp tục "hồn nhiên nhảy múa"...

Tại hội trường, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết, cử tri cũng rất bức xúc với tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Theo đại biểu, đây là chủ trương rất đúng đắn, nhưng đã bị lợi dụng bởi có những lỗ hổng rất lớn, làm thất thoát tài sản của nhà nước.

“Mất bao mồ hôi, xương máu để tạo dựng và gìn giữ, nhưng bỗng chốc những tài sản hàng nghìn tỷ đồng, bằng những mánh khóe, thủ đoạn đã bị hạ thấp... để chuyển sang cho tư nhân”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua cổ phần hóa để làm rõ các vấn đề cử tri bức xúc. Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu đưa vào chương trình giám sát tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước để làm rõ vấn đề.

“Trong khi Đảng và Nhà nước đang phải chắt chiu từng đồng để thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới, để thực hiện chính sách với người có công; người dân đang chắt chiu từng đồng để lo từng bữa cơm mà bây giờ chúng ta có thể mất hàng nghìn tỷ đồng. Tôi cho rằng đây là vấn đề hết sức nhức nhối”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Công chức cũng bị nhũng nhiễu, vòi vĩnh

Cùng vấn đề trên, đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) cho biết, dù đánh giá cao công tác phòng chống tham nhũng, nhưng cử tri vẫn còn có những bức xúc về vấn đề này. Lý do dẫn đến tình trạng đó cũng được đại biểu chỉ rõ là do những vụ án sau có tính chất, mức độ, tài sản tham nhũng lớn hơn những vụ án trước.

“Quyết tâm chính trị thì có, nhân dân đồng tình ủng hộ, bộ máy cán bộ có đầy đủ, nhưng trong phòng chống tham nhũng còn có gì đó chưa ổn, phải chăng đó là ở khâu thực hiện. Nhân dân, doanh nghiệp, kể cả cán bộ công chức trong quá trình giao dịch với chính quyền, với các ngành cũng phải chịu tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh dẫn đến tình trạng phải bôi trơn, lót tay”, đại biểu Mai Sỹ Diến băn khoăn.

Theo đại biểu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên thì có nhiều nhưng thực tế cho thấy, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng hiệu quả chưa cao; hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi; tính nghiêm minh trong xử lý hành vi tham nhũng không cao.

Do vậy, đại biểu đoàn Thanh Hóa đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, có những giải pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, đại biểu cũng đồng tình với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản rút dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 2 để có thêm thời gian nghiên cứu hoàn thiện.

“Tôi đồng tình với quan điểm đó, vì cần có thời gian nghiên cứu, để luật sửa đổi lần này phải đáp ứng mục tiêu xử lý nghiêm, đủ sức răn đe, đảm bảo như báo cáo của Chính phủ là kiên quyết không để tham nhũng phức tạp, nghiêm trọng hơn, tiến tới ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng”, đại biểu Mai Sỹ Diễn nói.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) đánh giá, công tác phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, nếu không sớm được đẩy lùi thì thực sự là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ bởi lòng dân đã không yên.

“Tham nhũng làm kiệt quệ ngân khố của quốc gia, kìm hãm sự phát triển của đất nước, xâm phạm quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt đã làm tha hóa nhiều cán bộ mà Trịnh Xuân Thanh chỉ là một mắt xích”, đại biểu Sinh bày tỏ.

Theo đại biểu, nhiều vụ án tham nhũng ngàn tỷ được xét xử, với những bản án hết sức nghiêm khắc. Tuy vậy, việc thu hồi tài sản lại không đáng kể so với số tiền thất thoát. Do vậy, đại biểu Sinh băn khoăn với việc hàng ngàn tỷ tham nhũng đã đi đâu, được dùng vào việc gì, ai đã nhận nó. Và đây cũng là câu hỏi mà nhân dân chờ trả lời từ các cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi nếu không biết tiền đã đi đâu thì làm sao thu hồi được, làm sao diệt tham nhũng được tận gốc.

Đại biểu Sinh cho rằng, để công tác phòng chống tham nhũng đạt kết quả nếu chỉ dựa vào quy định phòng chống tham nhũng thì chưa đủ vì nó chỉ giải quyết phần ngọn. Cho nên, cần tiếp tục phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Hình sự, Tố tụng hình sự, Luật Cán bộ, công chức, Luật Phòng chống tham nhũng….

Theo đại biểu, mọi cán bộ công chức, viên chức phải chịu sự kiểm soát tài sản của mình. Họ cũng phải chứng minh sự trong sạch tài sản của mình, nếu không chứng minh được phải coi đó là tài sản do tham nhũng mà có. “Họ cũng không thể giải thích qua quýt là của ông anh, bà chị, cô em kết nghĩa cho là xong chuyện”, đại biểu Sinh nói.

Quang Phong – Thế Kha