Tham nhũng quyền lực còn tệ hơn tham nhũng tài sản

(Dân trí) - Nếu từ trung ương tới địa phương không kiên quyết trong việc đấu tranh chống tham nhũng, từ việc đơn giản nhất là tránh bổ nhiệm cán bộ theo kiểu “thứ nhất quan hệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba thứ tư là “ệ” gì đó sau cùng mới đến trí tuệ và tài đức thì cực kỳ nguy hiểm.

 

GS. Lê Hồng Hạnh (Ảnh: Thế Kha).
GS. Lê Hồng Hạnh (Ảnh: Thế Kha).

 

GS. Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện Pháp luật- Kinh tế ASEAN (Hội Luật gia Việt Nam) - đã nói như vậy khi trao đổi với PV Dân trí xung quanh dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng đang được lấy ý kiến nhân dân.

Phóng viên: Theo ông, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng đã thể hiện đúng, đầy đủ thực trạng tham nhũng hiện nay chưa ?

GS. Lê Hồng Hạnh: Về mặt câu chữ, tuyên bố thì dự thảo nghị quyết nói khá nhiều. Tra từ trong văn kiện đó có thể tìm thấy 15 lần vấn đề “chống tham nhũng, lãng phí” được đề cập ở những bối cảnh khác nhau. Cụm từ “tham nhũng” nói tới hàng trăm lần, cũng nhiều tuyên bố cũng có thể nói khá mạnh mẽ, nhưng giải pháp mang tính chính sách cho việc triển khai cuộc chiến chống tham nhũng của đất nước vắng bóng quá. Vắng bóng là bởi những tuyên bố, ngôn từ thể hiện ở trong dự thảo này chỉ gần như là những điều mà chúng ta vẫn nghe thấy ở đâu đấy các nhà lãnh đạo vẫn hay nói. Tất nhiên văn kiện không thể nói những cái cụ thể, nhưng phải nói được những giải pháp để nhân dân thấy rằng lần này cuộc chiến chống tham nhũng sẽ được mang một hình hài mới, diện mạo mới, sức mạnh mới...

Ví dụ, công tác cán bộ cực kỳ quan trọng đối với hiệu quả, chất lượng bộ máy nhà nước. Cán bộ mà không trong sáng, chăm chăm tham nhũng thì làm sao muốn chống tham nhũng. Anh đã là người tham nhũng thì chắn chắn sẽ phải tìm mọi cách để che chắn, làm hành vi đó “ẩn” đi. Nhưng bản dự thảo này lại không đề cập đến chống tham nhũng trong quy hoạch, bổ nhiệm, sắp xếp cán bộ. Tôi không thấy có. Nói tóm lại cần phải có những giải pháp mang tính chính sách và khả thi hơn. Điều này trong dự thảo nghị quyết đang còn lỗ hổng.

Tình trạng tham nhũng hiện nay có phải một trong những nguyên nhân quan trọng khiến “niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút” mà ngay từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII năm 1994 đưa ra và tiếp tục được ghi nhận vào trong dự thảo báo cáo chính trị này ?

Chắn chắn là như vậy. Tham nhũng chính là nguyên nhân chủ yếu đang làm cho Đảng và bộ máy nhà nước mất niềm tin của dân. Tôi có thể nói rằng tham nhũng là nguy cơ đang đẩy Đảng khỏi nhân dân. Đó là điều bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng phải ý thức được. Khi mà Đảng tự mình tách khỏi nhân dân rồi thì hết chỗ dựa, vì dân là gốc mà. Câu nói “phải lấy dân làm gốc” có từ trong lịch sử dân tộc ta, đã được nói từ thời Trần Hưng Đạo, đến Nguyễn Trãi và sau này Bác Hồ đặc biệt nhấn mạnh. Khi Đảng không tự mình đưa ra giải pháp làm trong sạch bộ máy do chính Đảng dựng lên thì dân mất niềm tin và nguy cơ này treo lủng lẳng trên đầu Đảng của chúng ta. Cuộc chiến chống tham nhũng không được đẩy lùi thì nguy cơ này ngày càng nghiêm trọng hơn.

Nhân dân luôn tin Đảng. Vì sao ngày xưa dân tin Đảng như vậy, vì dân thấy trên đầu họ đang là những người lãnh đạo tuyệt vời, những người chỉ biết lo lắng cho vận mệnh dân tộc, vận mệnh tổ quốc...

Liên hệ với khía cạnh tham nhũng, chúng ta phải thấy rằng nếu từ trung ương tới địa phương không kiên quyết trong việc đấu tranh chống tham nhũng, từ việc đơn giản nhất là việc tránh việc bổ nhiệm cán bộ theo kiểu “thứ nhất quan hệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba thứ tư là “ệ” gì đó sau cùng mới đến trí tuệ và tài đức”. Trí tuệ, đạo đức đứng cuối như thế thì cực kỳ nguy hiểm. Tham nhũng quyền lực không khác gì tham nhũng tài sản, thậm chí còn tệ hơn. Chính vì thế điều chúng ta cần phải làm là củng cố được niềm tin, trước mắt và trước  phải chống được tham nhũng, kiên quyết chống tham nhũng từ hành vi nhỏ nhất của cán bộ nhà nước giữ cương vị thấp nhất tới cấp cao.

Vậy bất cập lớn nhất trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay của chúng ta là gì, thưa ông?

Bất cập nhiều nhất, theo tôi, nằm trong việc xây dựng và thực thi pháp luật. Bởi vì quan chức muốn tham nhũng cũng không được nếu pháp luật chặt chẽ và thực thi vững vàng.

Pháp luật hiện nay chưa thực sự được như mong muốn. Pháp luật trong hình sự và tố tụng hình sự vẫn thiên về việc chứng minh, mà thực hiện theo quy trình chứng minh tham nhũng sẽ đặt các cơ quan thực thi nhiệm vụ này vào thế khó. Ví dụ, dự thảo Bộ luật Hình sự đang lấy ý kiến đưa ra quy định về việc tham nhũng giá trị tài sản từ 2-100 triệu đồng thì sẽ chịu hình phạt như thế này, như thế khác,... Nói đến giá trị thì việc chứng minh 2 triệu đồng hay 100 triệu đồng là vô cùng khó, bởi người nhận hối lộ không bao giờ cho biết hôm qua vừa nhận bao nhiêu tiền, giả sử có nhận 100 triệu đồng thật thì tôi cũng chỉ nói nhận 2 triệu thôi vì đó là quà mừng Tết, ai mà chứng minh được...

Việc cứ phải gắn với việc chứng minh giá trị này, xem giá trị có nguy hiểm cho xã hội hay không thì vô cùng khó trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Chúng ta phải nhìn nhận rằng không phải cứ giá trị cao mới nguy hiểm cho xã hội. Tôi ví dụ thế này, tôi thà chấp nhận con người nào đó lấy trộm của ngân sách trăm triệu đồng, hơn để cho một quan chức nào đó vì 20 triệu đồng mà duyệt một dự án gây đau khổ cho người dân, khiến rất nhiều người dân ở vào thế mất nhà mất cửa, mất đất hoặc dự án đó trong tương lai gây ô nhiễm môi trường nặng nề hoặc bất lợi về an ninh quốc gia. Rõ ràng mất của ngân sách 100 triệu đồng và giá trị tham nhũng có 20 triệu đồng truy tố hình sự ấy thì chưa biết cái nào nguy hiểm cho xã hội hơn cái nào.

Trong công ước quốc tế người ta quy định chỉ cần có hành vi thôi, hành vi đưa tiền bất chấp giá trị bao nhiêu, hành vi đó là hành vi xấu, làm cho hành vi thực thi pháp luật bị bóp méo thì người ta xử lý hành vi đó chứ không phải xử lý giá trị. Một cảnh sát nhận 1 đô la thôi cũng bị xử lý như quan chức nhận 100 triệu đồng, phải bị coi là nhận hối lộ đã, còn mức phạt tòa án sẽ sẽ tính sau. Cách tiếp cận đó là cách mà chúng ta cần theo chứ không phải cứ loay hoay đi chứng minh giá trị để từ đó quy ra mức độ nguy hiểm cho xã hội. Đó là điều rất khó làm.

Nói như ông thì “tội làm giàu bất chính” nên đưa ngay vào Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự đang được sửa đổi ?

Làm giàu bất chính cũng phải xử lý, cần phải quy định về nó. Nhưng mà liên quan đến chỗ bất cập pháp luật, tôi muốn nói thêm một ý: Hiện nay pháp luật hình sự, hành chính của chúng ta liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng chưa cho phép thu hồi tài sản tham nhũng một cách triệt để, bài bản.

Thực ra đối với một người có lòng tham, khi nắm quyền lực rồi mà điều kiện tham nhũng dễ dàng quá thì tại sao họ lại không tham nhũng?. Ngồi tù vài ba năm để có một tài sản lớn, ăn cả đời họ, đời con, đời cháu cũng không hết thì tại sao họ không dám làm?. Có tiền rồi thì vào tù họ cũng ngồi tù một cách ngon lành hơn các tù nhân khác. Có tiền rồi thì ngồi tù họ sẽ tiếp tục chạy tiếp để được ân xá trước thời hạn.

Điều mà chúng ta phải làm là làm sao triệt tiêu động lực đó đi. Khi anh tham nhũng thì tôi thu bằng hết, thu từ con anh, cháu anh, thu cả nhà thờ họ mà anh đã sử dụng tiền tham nhũng để xây dựng nên thì mới triệt hết động lực này. Còn nếu chỉ đánh vào việc tham nhũng bằng việc cách chức, ngồi tù 2-3 năm mà không thu hồi được tài sản thì không được.

Một trong những điều mà công luận và nhân dân đang được khơi lên niềm tin là trong vụ việc chúng ta xử lý Giang Kim Đạt ở công ty Vinashinlines. Chúng ta đã phong tỏa, thu hồi hết tài sản ở trong nước và nước ngoài, kể cả ở Singapore. Cách làm như vậy là cách làm đúng.

Nhưng số đó quá ít ỏi...

Chính vì thế tôi mới nói hệ thống pháp luật, chủ trương ở trong văn kiện này phải thể hiện được một định hướng. Điều tôi đang muốn nói đó là vẫn thiếu những giải pháp để xử lý vấn đề tài sản tham nhũng.

 

Giang Kim Đạt - nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Công ty Vinashinlines (Ảnh: Bộ Công an).
Giang Kim Đạt - nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Công ty Vinashinlines (Ảnh: Bộ Công an).

 

Theo đánh giá của ông, dự thảo báo cáo chính trị cần có những định hướng rõ ràng, mạnh mẽ hơn nữa tương lai có thể xử lý được “những con cá mập tham nhũng” như Giang Kim Đạt mà chưa bị phát lộ ?

Đúng  rồi. Kế hoạch cụ thể không thể đưa vào văn kiện nhưng phải có những quan điểm mang tính chiến lược để chỉ đạo các cơ quan của Đảng và nhà nước phải thực hiện theo phương hướng đó.

Quan điểm chỉ đạo, quan điểm chính sách là làm bằng mọi cách, mọi giá triệt tiêu động lực tham nhũng. Đó là điều mà dự thảo văn kiện này phải được thể hiện được, tức là làm thế nào đó để người tham nhũng không dám, không muốn tham nhũng. Nếu tham nhũng thì mất cả đời luôn.

5-10 năm tới chúng ta nên nhanh chóng có những thay đổi như thế nào để hạn chế, xử lý triệt để hơn nữa tham nhũng ?

Ở đây có hai điểm tôi muốn nói. Thứ nhất, như một số bất cập về pháp luật mà tôi nói ở trên, cần hoàn thiện để xử lý tham nhũng dễ dàng hơn và triệt tiêu động cơ;

Nhưng với tôi, điểm thứ hai mới quan trọng, nó nằm ở công tác cán bộ của Đảng. Trong những năm tới công tác cán bộ phải được thay đổi cơ bản. Như Bác Hồ nói cán bộ là cái gốc, cán bộ tốt thì bộ máy nhà nước tốt, quản lý nhà nước tốt thì người dân sẽ tin tưởng. Cán bộ không tốt thì ngược trở lại.

Vậy thì chọn lựa như thế nào thì được cán bộ tốt?. Tôi không tin rằng các cán bộ của nhà ta hiện nay đang được lựa chọn theo quy trình như hiện nay đa số đều là những người tốt. Chúng ta chỉ có cán bộ tốt khi người dân được lựa chọn cán bộ. Khi người dân lựa chọn xong rồi thì Đảng bồi dưỡng họ, chứ không phải Đảng lựa chọn xong rồi thì dân lựa chọn, bởi đó là quy trình ngược.

Đừng ảo tưởng rằng khi đưa ra bỏ phiếu bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội thì cứ 99,99% dân ủng hộ ứng cử A, ứng cử B là lựa chọn đúng với mong muốn của người dân đâu. Trong 4 người đó họ buộc phải chọn 3 người thì đương nhiên trong số đó sẽ có người đạt 99,99%, thậm chí 100 %. Thử hỏi ở đâu trên cái thế giới này có cán bộ được lòng dân 100% không?. Nếu cán bộ được lòng dân 100% thì cán bộ đó không làm gì cả, còn đã làm gì thì phải đụng chạm tới lợi ích của người này người kia. Để nhân dân lựa chọn thì sẽ tốt hơn nhiều cách làm khép kín mà chúng ta đang làm.

Bổ nhiệm không đúng nhưng khi bị phê phán thì quay trở lại lại bảo “làm đúng quy trình”. Câu nói “làm đúng quy trình” là câu muôn thuở để biện bạch cho những sai lầm của chúng ta trong công tác cán bộ. Tóm lại, cán bộ là khâu mà chúng ta phải làm tốt thực sự trong những năm tới đây. Nếu có cán bộ tốt thì sẽ không có “huyện họ ta”, “quan họ ta”...

Thực sự thì vấn đề con của các nhà lãnh đạo được nắm giữ các chức vụ quan trọng cũng là bình thường trên thế giới thôi, nhưng những người đó thực sự được chọn lựa bởi nhân dân. Do đó công tác cán bộ vẫn là khâu then chốt nhất.

Xin cảm ơn ông !

Thế Kha (thực hiện)