1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tham nhũng đất, giá nhà đất ảo: Xử lý thế nào?

(Dân trí) - Đó là hai vấn đề lớn mà Bộ trưởng Tài nguyên môi trường phải đối diện trả lời các đại biểu Quốc hội chiều 25/11. Trong số các vị bộ trưởng đã đăng đàn, ông Mai Ái Trực có vẻ nhận được nhiều sự đồng thuận hơn cả từ phía các đại biểu bởi cách trả lời gãy gọn, thuyết phục cộng với cái tâm của một người được coi là “tư lệnh lĩnh vực”.

Có lẽ đây là lần đầu tiên đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn bày tỏ thái độ hài lòng của mình với một vị bộ trưởng trong phiên trả lời chất vấn. “Tôi xin hoan nghênh tác phong xử lý công việc trong lĩnh vực đất đai của Bộ trưởng”, và ông đặt câu hỏi: “Bộ trưởng  có ta thán với cử tri ''Ôi sao tham nhũng đất đai nhiều thế!. Vậy nhiều thế là thế nào? tổng diện tích tham nhũng là bao nhiêu? Bộ trưởng có thể báo cáo thật minh bạch một trường hợp cụ thể trước QH được không? Tôi biết Bộ trưởng chắc có nhiều vụ việc, nhiều địa chỉ và nhiều danh sách?”.

 

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Mai Ái Trực cho biết, tham nhũng đất đai thì Quốc hội đã nói nhiều, cũng vì thế nên Quốc hội mới “nhọc công” bàn về Luật Phòng chống tham nhũng. Hiện nay 3 lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng và ngân sách là tham nhũng nhiều nhất. Về danh sách những người tham nhũng đất đai, những người biết thì đã công bố hết rồi. Danh sách những người bị tố cáo thì phải thận trọng điều tra xác minh. Những vụ tham nhũng thì báo chí đã nói nhiều, đó là những điều thấy được chứ còn có nhiều điều chúng ta không thể thấy được vì “nó” tinh vi lắm.

 

Về vụ lòng hồ Trị An, Bộ trưởng thông báo, có 4 huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Vĩnh Cửu và Định Quán tiếp giáp với hồ Trị An. Nhiều năm qua một số hộ gia đình đã khai thác đào đất san ủi mua bán sử dụng đất  dưới cao độ 62m, cá biệt có một số hộ gia đình được huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD). Định Quán có 246 trường hợp và Vĩnh Cửu có 49 trường hợp được cấp GCN ngay trong lòng hồ. Qua sự việc này cho thấy, công tác quản lý đất đai kém.

 

Bộ trưởng nhận trách nhiệm: “Đất đai chỗ nào quản lý kém Bộ TNMT chịu trách nhiệm hết, tôi nhận trách nhiệm và không đùn đẩy cho ai cả. Vì thấy trách nhiệm nên chúng tôi phải đi kiểm tra xem dưới thi hành ra làm sao để đôn đốc anh em”.  Bộ trưởng cũng cho biết đã đề xuất quy định rõ nơi sử dụng đất phải chịu trách nhiệm nếu để lấn chiếm thất thoát và phải quy trách nhiệm bằng tiền để bồi thường.

 

Lo ngại về tình trạng giá đất ảo hiện nay và sự thiệt thòi thường rơi vào người dân nghèo, đại biểu Đặng Thị Phượng tỉnh Tây Ninh đặt câu hỏi: “Thực trạng hiện nay giá nhà đất là giá ảo, cao hơn gấp nhiều lần so với giá thật. Các nhà đầu tư thì được lợi, thiệt hại dân chịu, dẫn đến khiếu kiện rất nhiều”.

 

Bộ trưởng Trực cho rằng, việc giá đất ảo đã xảy ra từ trước. Khi Luật đất đai (2003) và các văn bản qui định khác ra đời  thì thị trường lại  lạnh. Giá đất tại các dự án nhà nước trước đây  quy định thấp nên nhà đầu tư được hưởng lợi nhiều. “Trước đây không thu tiền sử dụng đất những khu nhà cao tầng để cho giá nhà thấp, người nghèo được hưởng lợi nhưng thử hỏi thực tế có bao nhiêu người nghèo được hưởng lợi”, Bộ trưởng tự đặt câu hỏi và đồng thời đưa ra phương án giải quyết: “Chính vì vậy chúng tôi bỏ đề xuất đó trong Luật. Bây giờ là đấu giá quyền sử dụng đất để lấy quỹ cho người nghèo chứ không để nhà đầu tư được hưởng lợi và dễ  kéo theo tiêu cực”.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Khanh, tỉnh Đồng Nai chất vấn về những sai lầm, yếu kém trong thi hành Luật đất đai, trong đó nhấn mạnh tới bồi thường tái định cư. “Bộ trưởng cho biết hướng xử lý đối với việc áp giá bồi thường không đúng, tính giá bồi thường không công bằng? Bộ trưởng có nói về trách nhiệm và việc tổ chức thực thi là ở địa phương, nhưng địa phương lại nói làm theo qui định của bộ, Chính phủ. Bộ trưởng cũng nói thanh, kiểm tra của Bộ ít được thực hiện, đó là sự buông lỏng và trách nhiệm này thuộc về ai? ”.

 

Trả lời câu chất vấn này, Bộ trưởng Trực công nhận giá đền bù hiện chưa hợp lý vì vậy sẽ khắc phục bằng cách đền bù như giá thị trường. Bộ trưởng cũng cho rằng Luật thì “bất hồi tố” nên chính sách lúc nào thì thực hiện lúc đó. Có điều cần rút kinh nghiệm là chính sách thu hồi đất ngày càng nới, người sau được lợi hơn người trước dẫn đến tình trạng người gương mẫu thực hiện trước thì thiệt, còn người sau chây ỳ  lại được lợi.

 

Về trách nhiệm quản lý đất đai, Bộ trưởng thẳng thắn: “Tôi xin báo cáo, nếu chính sách pháp luật về đất đai có chỗ nào không đúng thì dù là Quốc hội ban hành đi nữa tôi cũng xin chịu trách nhiệm vì tôi là người tham mưu. Cái gì thuộc về phần tôi tôi xin chịu trách nhiệm. Tôi xin chịu tất cả những gì chưa hoàn thiện về chính sách”. Ông Trực giãi bày: sau khi ban hành Nghị định 181, tôi đã đề xuất sửa một số vấn đề, có người hỏi sao vừa ban hành đã sửa tôi nói thấy sai thì sửa, mệnh lệnh cuộc sống buộc ta phải làm, không sợ là mình dở. Sửa cho tốt, dân hoan nghênh thì sửa.

 

Về vấn đề thanh kiểm tra, Bộ trưởng cho rằng đã làm quyết liệt. “Trước khi ban hành luật đất đai tôi đã nến hỏi nông dân xã Việt Hưng (huyện Gia Lâm cũ), sau khi luật ban hành sáu tháng tôi đến xã Ngọc Thụy xem luật đi vào cuộc sống thế nào, sau một năm tôi xuống phường Ngọc Lâm xem thực hiện thế nào. Vừa rồi Bộ tổ chức 13 đoàn kiểm tra, như vậy là Bộ TN&MT không buông lỏng”.

 

Cảm thấy chưa hài lòng, đại biểu Đỗ Hồng Khanh tiếp tục chất vấn: “Tôi chưa hoàn toàn hài lòng câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất, trong các nguyên nhân sai phạm theo như Bộ trưởng là do chính sách nhưng còn do những con người cụ thể làm ra sao lại để cho người dân chịu?”. Theo Bộ trưởng Mai Ái Trực thì giá đất thấp quá là do trước đây chứ không phải mới, bây giờ đang đề xuất phải phù hợp với thị trường trong điều kiện bình thường. Bộ trưởng thanh minh: “Bản thân tôi chưa bao giờ trình giá đất thấp cả, chuyện phân lô bán nền ở  bên dưới như vậy là tầm bậy! Chúng tôi đã trình Thủ tướng và Phó Thủ tướng cũng đã chỉ đạo rõ ''cấm phân lô bán nền'' . Đây là vấn đề cũ rồi . Chúng tôi ghi nhận và sẽ làm mạnh hơn nữa”.

 

Phản ứng trước lập luận về luật “bất hồi tố” mà Bộ trưởng đưa ra, ĐB Dương Trung Quốc nói: “Nếu đưa ra nguyên lý "Luật bất hồi tố" rồi giải thích đơn giản thế thì trách nhiệm không thuộc về ai cả. Và sẽ làm cho những người “thật thà, gương mẫu thì thua thiệt”, ông đề nghị: “Quốc hội một lần nữa, thực hiện giám sát chặt chẽ khâu lập pháp và hành pháp. Chứ không thể làm sai thì sửa, biến xã hội thành chỗ thử nghiệm. Chúng ta phải có thái độ không chấp nhận thực trạng ấy, phải hồi tố, ít nhất là hồi tố về trách nhiệm”. Chia sẻ với bức xúc của ông Quốc, Bộ trưởng Mai Ái Trực than thở: “Nhiều khi giải quyết khiếu nại tôi cũng thực sự thấy không công bằng, nhưng giải quyyết như thế nào thì là quyền của QH chứ  Bộ trưởng thì không thể”.

 

Không thỏa mãn với giải trình về giá đất, đại biểu Khanh tiếp tục “truy” khi trích dẫn trả lời của bộ trưởng Trực trên một tờ báo. Đến lúc này, Bộ trưởng Mai Ái Trực không thể "bao biện" được hơn: Về vấn đề giá đất, tôi nhường cho anh Sinh Hùng trả lời. Vì vấn đề này thuộc về anh Sinh Hùng (bộ trưởng Tài Chính).  Tôi nói thật quan điểm của tôi là giá đất phải phù hợp với giá thị trường. Ba năm tôi làm Bộ trưởng tôi kiên định quan điểm đó mới được đưa vào điều 56 Luật Đất đai nhưng các địa phương lại dựa vào Nghị định của Chính phủ ban hành do Bộ Tài chính đề xuất đã quy định giá đất. Tôi không tán thành việc đó. Tôi nói vậy thể hiện quan điểm của tôi là quyền sử dụng đất là tài sản của người dân, quyền dân sự của người dân phải được tôn trọng, nên phải định giá cho đàng hoàng. Còn định giá như thế nào thì phải hỏi Bộ Tài chính chứ tôi không trả lời về giá nữa.

 

Kết thúc buổi chất vấn, Phó Chủ tịch QH Trương Quang Được tổng kết và thông báo có 8 đại biểu phát biểu hỏi và đặt vấn đề. Vụ lòng hồ Trị An, có danh sách nghi vấn là tham ô, tham nhũng Bộ cần phải xác minh cụ thể, và giao cho quan chức năng xử lý. Vấn đề ô nhiễm ở xã Thạch Sơn, Lâm Thao, Phú Thọ Phó chủ tịch cho rằng đây là điều không mong muốn  những cần xử lý triệt để, tránh thiệt thòi cho người dân.

 

Đ.Hòa- H.Hạnh