Thăm lại người yêu của chàng trai bán thận
Giáp tết năm nay, bà Tùng cùng Khánh Minh - cô con gái út - vẫn ra chợ Phan Rang bán hoa vạn thọ. Nhưng có lẽ gánh hoa sẽ nặng hơn...
Mẹ con Khánh Minh (Ảnh: SGTT)
Năm qua, cô gái 18 tuổi này đã vượt hai cuộc hành trình quá dài: một, đó là chuyến đi sang bệnh viện Quảng Châu đưa người yêu bị tai biến sau ca mổ thận trở về Việt Nam. Và cuộc quằn quại vượt cạn một mình trong tình trạng suy sụp sau cái chết của người yêu. Nhưng hiện nay, Minh đang trải qua một cuộc hành trình gian nan khác rất dài hơi, đó là một mình đối diện với sự thị phi của dư luận để nuôi đứa bé lớn lên, trong khi gia đình Luân vẫn chưa chịu nhận mặt cháu nội.
Minh kể: “Sau khi anh Luân mất ít lâu, em sinh con (29/7/2008). Em quá mất sức trong thời gian mang thai, phải đi lên đi xuống đồn công an điều tra, rồi suy nhược sau cái chết của anh, nên bác sĩ chỉ định phải vừa sinh mổ, vừa truyền máu. May cũng nhờ bệnh viện Phan Rang giúp đỡ nhiệt tình. Một mình em chống chọi với nỗi lo sợ và buồn tủi khi mọi người trong bệnh viện cứ xầm xì về chuyện bán thận của anh Luân. Rồi thấy khi đau đớn, thấy người ta có chồng bên cạnh, còn mình... Cuối cùng cháu được sinh ra, nặng 2,9kg, em lại bị nhiễm trùng phải nằm điều dưỡng tiếp. Có những lúc đau đớn em tưởng đã đi theo ảnh rồi...”.
Cháu bé được lấy họ mẹ, tên là Hồ Duy Lưu. Lưu cũng là tên mà anh Luân từng muốn đặt tên cho đứa con trai đầu lòng của mình trước khi lên đường đi bán thận cách đây một năm.
Bé Lưu ba tháng, dễ chịu, ít khóc, ít bệnh, em cũng bỏ bú đi vào Sài Gòn phụ bán bún riêu kiếm tiền mua sữa cho con. “Em mới làm được nửa tháng, lãnh mấy trăm ngàn, nhớ con quá lại chạy về. Hiện nay để con ở quê thì lại sợ bà ngoại chăm không xuể”...
Sau khi Minh sinh con, chúng tôi chuyển cho gia đình số tiền bạc đọc đóng góp để lo viện phí và sữa cho cháu bé. Gom góp số tiền này cùng với một số nguồn tài trợ từ thiện khác, Minh đã mua một miếng đất nhỏ bên cầu Đạo Long và sau đó vay thêm tiền cất một ngôi nhà chừng 20m2 để “có chỗ thờ anh Luân và sau này thằng cu lớn lên thì nó cũng có chỗ ra vào”.
Hằng ngày, bà ngoại Lưu phải đạp xe từ trong thị xã mang đồ ăn ra cho hai mẹ con. Tôi bước vào căn nhà hẹp chỉ có độc một chiếc máy cassette cũ là đáng giá nhất, và nhận ra, ảnh thờ của Luân được đặt dưới nền nhà, cạnh chỗ nằm của hai mẹ con Minh. “Có lần em bệnh, xỉu trong nhà. Thằng bé khát sữa khóc dữ lắm. Cũng may người trong xóm phát hiện ra báo bà ngoại chạy qua...” - Minh kể trong nước mắt.
Sài Gòn tiếp thị