1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Bình:

Thăm lại cháu bé được cứu thoát khỏi hủ tục “chôn con theo mẹ”

(Dân trí) - Sau hơn 2 năm kể từ ngày được cứu sống khỏi hủ tục chôn con theo mẹ, giờ đây cháu Dưỡng rất khỏe mạnh, lên cân đều,...

Vào đúng ngày giáp Tết Nguyên đán 2013, chúng tôi có dịp quay trở lại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình thăm lại cháu Hồ Dưỡng -  cháu bé suýt bị chôn sống theo mẹ vì những hủ tục hết sức lạc hậu của đồng bào dân tộc ít người bản K’Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình.

Thoát khỏi hủ tục chôn sống nhờ bộ đội

Theo phong tục của người Mày ở bản K’Ai, một đứa trẻ mới sinh ra, nếu chẳng may mẹ nó chết đi thì cũng bị... chôn sống theo mẹ vì sợ “ma” mẹ đi theo đòi con nếu ai đó nhận về nuôi. Đó là một hủ tục đã quá đỗi lạc hậu nhưng vẫn được bà con nơi đây tin theo. Cháu Hồ Dưỡng - một người con của bản làng - cũng không thoát khỏi hủ tục lạc hậu ấy. Và cái ngày các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng Cha Lo giải cứu cháu Dưỡng suýt bị chôn theo mẹ (4/12/2010) trở thành dấu mốc quan trọng chấm dứt hủ tục lạc hậu bám theo bà con nơi đây suốt mấy chục năm.

 
Thăm lại cháu bé được cứu thoát khỏi hủ tục “chôn con theo mẹ”
Cháu Hồ Dưỡng được cứu thoát khỏi hủ tục lạc hậu và sống khỏe mạnh như bây giờ có công rất lớn của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Cha Lo
 
Năm đó, bà Hồ Thị Lon (SN 1973) - mẹ cháu Dưỡng khi sinh cháu bị băng huyết và tử vong vào ngày hôm sau. Theo đúng phong tục “truyền đời” của tộc người này, người ta tiến hành chôn cả mẹ và con, dù đứa bé vẫn đang sống. Đứa bé lúc đó mới tròn vài tuần tuổi, bị buộc vào người mẹ trong tiếng khóc thảm thiết...

Một cán bộ trong xã đã báo cho BĐBP Cha Lo. Lập tức, Trung uý Trương Vĩnh Lê - Đội trưởng đội vận động quần chúng cùng Thiếu tá Võ Duy Diễn - Tổ trưởng tổ công tác tuần tra tại K’Vàng đã vào bản nhờ các già làng cùng vận động mọi người và đã cứu được cháu bé. Có thể nói rằng đó là một chiến công to lớn của BĐBP trong việc đưa bà con bản K’Ai thoát khỏi hủ tục lạc hậu “truyền đời”. Bên cạnh đó, giáo dục người dân nâng cao nhận thức, hướng đến cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Sau khi cứu được cháu Dưỡng, các chiến sĩ Biên phòng Cha Lo đã giao cháu cho chị Hồ Thị Lê – người chị gái cùng cha khác mẹ với Dưỡng chăm sóc. Sợ người dân quay lại hủ tục cũ, cán bộ Đồn Biên phòng Cha Lo đã đề xuất với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cùng các cơ quan chức năng về hướng trợ cấp và chăm sóc cháu Dưỡng sau này. Đến tháng 7/2012, cháu Hồ Dưỡng đã được đưa về chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình.

Sống chan hòa bên những người ba, mẹ nuôi

“Hiện nay chế độ trợ cấp dành cho các cháu, các cụ ở trung tâm mới chỉ 360 nghìn đồng/ tháng. Chính vì vậy, chúng tôi vẫn băn khoăn là chế độ ăn của các cháu vẫn còn rất thấp chỉ trung bình khoảng 12 nghìn/ ngày. Trừ dịp Tết Nguyên đán năm nay suất ăn của các cháu mới được tăng lên 50 nghìn đồng. Dù khó khăn nhưng được sự quan tâm của cồng đồng, chúng tôi sẽ tổ chức Tết cho các cụ, các cháu thật chu đáo” - ông Trần Đình Năm, Phó giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình.

Từ ngày đến môi trường mới, cháu Dưỡng nhận được sự chăm sóc ân cần của những “người ba, người mẹ” tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh. Gặp lại cháu Hồ Dưỡng lần này, chúng tôi vui mừng khi thấy cháu rất khỏe mạnh, tăng cân đều, nước da trắng hồng, ngoan ngoãn...
 
Còn nhớ ngày chúng tôi được Thiếu tá Võ Duy Diễn, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Cha Lo ở bản K’Vàng dẫn đến thăm cháu tại ngôi nhà sàn nép mình bên rừng núi biên giới bạt ngàn. Lúc đó, cháu Dưỡng vừa mới được cứu thoát khỏi hủ tục chôn sống, người đen nhẻm, gầy nhom, thiếu ăn và kém sức sống.
 
Tiếp chuyện chúng tôi, chị Mai Thị Tâm – cô nuôi cháu Dưỡng tâm sự: “Ngày mới về Trung tâm, cháu Dưỡng sống khép mình, sợ sệt khi thấy người lạ và hay quấy khóc. Hơn nữa, cháu bị suy dinh dưỡng do thiếu đói lâu ngày khiến cháu bị kiệt sức. Mất gần một tuần, mấy anh chị em ở trung tâm cứ thay nhau chăm sóc Dưỡng vì sợ cháu không qua khỏi. Thế nhưng, mấy ngày sau đó do được anh em trong trung tâm tích cực bồi bổ với chế độ ăn hợp lý nên cháu hồi tỉnh lại, người tươi vui hẳn lên. Nhìn cháu như vậy khiến chúng tôi rất vui mừng. Nhưng rồi, do chưa thích nghi với môi trường mới, chế độ ăn cũng khác trước nên cháu Dưỡng thường xuyên bị đau bụng và phải ăn cháo trắng nhiều tuần liền để làm quen dần”.
 
...và nhận được sự chăm sóc ân cần của các ba, mẹ ở Trung tâm
...và nhận được sự chăm sóc ân cần của các "ba, mẹ" ở Trung tâm
 
 
...và nhận được sự chăm sóc ân cần của các ba, mẹ ở Trung tâm
Ông Trần Đình Năm, Phó giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình cười vui bên đứa con nuôi Hồ Dưỡng
 
Mái nhà chung Trung tâm bảo trợ xã hội, nơi nuôi dưỡng và chăm sóc những số phận bất hạnh như trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ sơ sinh, khuyết tật… đã là chỗ dựa thực sự cho Hồ Dưỡng sống một cuộc đời mới.
 
 
Đăng Đức - Đặng Tài