Quảng Bình:
Tết đặc biệt nơi lán tạm của người dân vùng sạt lở đất
(Dân trí) - Nằm trong vùng sạt lở đất, khu vực tái định cư lại chưa hoàn thiện nên người dân bản Sắt phải ăn Tết nơi lán tạm. Thế nhưng ngày Tết cổ truyền không vì vậy mà thiếu đi không khí, hương vị.
Bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt mưa lũ tháng 10/2020. Toàn bản nghèo ngập trong nước lũ. Khi lũ rút, bà con phải đối mặt với nguy cơ sạt lở đất nghiêm trọng, dãy núi gần bản có nhiều vết nứt lớn, nhiều đoạn đất đã sạt xuống.
Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng, chính quyền địa phương đã buộc phải di dời 34 hộ dân thuộc bản Sắt ra khu vực đất trống nằm gần bản, dựng lán để bà con tránh trú tạm thời. Ngoài ra, phía huyện Quảng Ninh cũng đã quy hoạch khu vực tái định cư mới nhằm di dời toàn bộ người dân bản Sắt ra khỏi vùng nguy hiểm.
Theo dự kiến, phải đến tháng 3, khu tái định cư mới hoàn thiện, mới có thể di dời người dân về nơi ở mới. Do vậy, Tết Nguyên đán Tân Sửu là một cái Tết đặc biệt với đồng bào Bru-Vân Kiều tại bản Sắt.
Một cái "Tết không nhà", khi họ phải đón năm mới nơi lán tạm, dựng giữa rừng.
"Tết năm nay, vì phải ở lán tạm nên bà con ăn Tết đơn giản hơn nhưng cũng phải có con lợn, con gà, bánh chưng. Dân bản chúng tôi chỉ về nhà thắp hương cho tổ tiên, rồi lại ra lán để đón Tết với nhau", anh Trần Văn Trường, bản Sắt, xã Trường Sơn chia sẻ.
Tết Nguyên đán luôn có ý nghĩa thiêng liêng với mỗi người, mỗi gia đình. Với đồng bào dân tộc thiểu số, Tết là dịp hiếm hoi trong năm bà con ngơi việc nương rẫy; trẻ em được có áo mới, người già có được những bữa cơm sum họp, đủ đầy.
Tuy nhiên, với đồng bào tại bản Sắt, nơi đang phải gánh chịu hậu quả thiên tai nặng nề thì Tết năm nay là lúc cảm nhận rõ hơn bao giờ hết sự thiếu thốn vật chất, sự trống trải khi có nhà nhưng chẳng thể về, vật nuôi chăm bẵm lâu nay cũng đã trôi theo dòng nước lũ.
Mặc dù cuộc sống nơi lán tạm còn nhiều thiếu thốn, chật chội, nhưng không vì thế mà bà con dân bản tại bản Sắt mất đi hương vị của ngày Tết cổ truyền. Họ đã cố gắng hết sức với những gì đang có để quây quần bên nhau ca hát, nhảy múa, thực hiện các nghi lễ truyền thống của bản làng. Cùng nhau chia sẻ niềm vui ngày Tết để khắc phục những khó khăn, hướng đến năm mới nhiều niềm vui, no đủ hơn.
Để động viên bà con dân bản đang phải đón Tết nơi lán tạm, Đồn Biên phòng Làng Mô và chính quyền xã Trường Sơn cũng đã cắt cử cán bộ vào bản ăn Tết cùng người dân bản sắt. Các cán bộ, chiến sỹ biên phòng đã cùng người dân hòa trong tiếng hát, cùng nhau quây quần gói bánh chưng, đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Theo Thượng tá Lê Đình Huân, Đồn Trưởng Đồn biên phòng Làng Mô, Tết năm nay, Đồn trực 100 phần trăm quân số, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ biên giới, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch, ngăn chặn kịp thời những trường hợp vượt biên trái phép. Bên cạnh đó là nhiệm vụ đồng hành cùng bà con dân bản, tuyên truyền chính sách, quy định pháp luật đến bà con.
"Với người dân bản Sắt, chúng tôi đã hỗ trợ, động viên bà con khắc phục những khó khăn trước mắt, cố gắng làm sao để dân bản Sắt dù ở lán tạm nhưng vẫn có một cái Tết no đủ", Thượng tá Huân nói.
Anh Nguyễn Văn Muôn, Trưởng bản Sắt cho hay, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, lực lượng BĐBP cũng như các nhà hảo tâm trong thời gian qua, bà con tại bản nghèo này đã được đón Tết trong không khí vui tươi. Các hộ dân trong bản cũng treo cờ tổ quốc từ sớm để đón chào một năm mới với nhiều kỳ vọng.
Trong những năm qua, cuộc sống của người dân bản Sắt không ngừng được nâng lên, bà con phát triển lúa nước, chăn nuôi để phát triển kinh tế, qua đó cũng xây dựng bản làng đi lên, đời sống bà con ngày một cải thiện.
Tết đến, Xuân về, hy vọng rằng, sự quan tâm, chia sẻ của chính quyền, BĐBP và cộng đồng sẽ khởi đầu cho một năm mới an vui, mưa thuận gió hòa đối với người dân bản Sắt; để những cái Tết tiếp theo thực sự là những ngày Xuân đủ đầy và ấm áp với bà con dân bản vùng cao, nơi phên dậu của Tổ quốc.