1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tết ấm áp trên chuyến tàu Bắc - Nam

(Dân trí) - Thời khắc giao thừa Tết Bính thân - Đinh dậu, trong những toa tàu nhỏ được trang trí lung linh ánh đèn, trưởng tàu đi bắt tay thật chặt từng hành khách, nhân viên và gửi lời chúc Tết ấm áp đến họ cùng gia đình. Hành động ấy, khiến những người đồng hành trên chuyến tàu "xuyên" 2 năm như ấm lòng hơn...

Không khí chuẩn bị đón Tết Đinh Dậu trên tàu TN2 từ TP HCM đi Hà Nội
Không khí chuẩn bị đón Tết Đinh Dậu trên tàu TN2 từ TP HCM đi Hà Nội

23h45 ngày 27/1 (30 Tết), nhân viên tàu TN2 từ TP HCM đi Hà Nội hối hả chuẩn bị tiệc đón giao thừa ở toa tàu dịch vụ. Người thì phụ trách trang trí hoa đào, người thì thiết kế đèn nháy, người thì tất bật dọn bánh kẹo lên bàn để chuẩn bị cùng hành khách đón năm mới Đinh Dậu.

23h50, loa phát thanh trên tàu phát đi lời chúc Tết của ngành đường sắt Việt Nam. Thời khắc giao thừa điểm 0h, trưởng tàu TN2 - Ngô Ngọc Anh tiến vào toa dịch vụ bắt tay từng hành khách, chúc tết và lì xì đến từng người. Trong toa tàu nhỏ, với khoảng 30 người, cả hành khách lẫn nhân viên nhưng không khí Tết hết sức ấm cúng, gần gũi như người một nhà.

Sau giây phút đón giao thừa, ở nhiều góc tàu, vài nhân viên điện thoại về chúc tết người thân. Phó tàu Trần Đức Xuyên (40 tuổi, quê Nam Định), chia sẻ, mặc dù đang hân hoan đón giao thừa cùng anh em trên tàu nhưng trong tâm anh không nguôi nhớ về tổ ấm nhỏ của mình. Cũng giây phút ấy, những kỷ niệm về mẹ lại ùa đến, làm anh thấy thương mẹ hơn.

Phó tàu TN2 Trần Đức Xuyên có 17 năm làm việc trong ngành đường sắt nhưng có 5 năm đón giao thừa, ăn Tết trên tàu. Thậm chí, vợ anh 2 lần vượt cạn thì anh đang công tác trên tàu.

Tết ấm áp trên chuyến tàu Bắc - Nam - 2
Trưởng tàu TN2 - Ngô Ngọc Anh chúc Tết và lì xì đến từng hành khách được mời đón giao thừa trong toa dịch vụ
Trưởng tàu TN2 - Ngô Ngọc Anh chúc Tết và lì xì đến từng hành khách được mời đón giao thừa trong toa dịch vụ

Chia sẻ về chuyến tàu cuối năm, trưởng tàu TN2 - Ngô Ngọc Anh, cho biết, tàu TN2 xuất phát từ TP HCM vào lúc 13h10 ngày 30 Tết và dự kiến đến Hà Nội vào lúc 3h30 ngày mùng 2 Tết. So với năm ngoái, năm nay mật độ hành khách đông nên công việc của nhân viên khá vất vả. Thậm chí, có người nhiều lúc mải mê với công việc mà quên rằng đã là ngày cuối năm.

Anh kể, gia đình có 3 thế hệ làm trong ngành đường sắt, kể từ đời ông nội. Anh đi theo ngành đường sắt cũng từ định hướng của gia đình. Đến nay, anh đã có 18 năm phục vụ trong ngành đường sắt nhưng có tới 10 năm đón giao thừa và ăn Tết cùng hành khách ở trên tàu. “Ngày Tết, ai cũng muốn đoàn tụ, cũng muốn ở bên gia đình nhưng mình lấy niềm vui của hành khách để làm động lực, niềm vui cho chính mình và để nỗ lực làm việc”, anh nói.

Trong đời đi tàu của mình, anh từng chứng kiến nhiều câu chuyện xúc động giữa những hành khách lên tàu. Theo anh, cuộc sống trên tàu là một xã hội thu nhỏ, với đầy đủ mọi thành phần nghề nghiệp, lứa tuổi. Nhờ đi chung trên một chuyến tàu mà 2 người xa lạ bỗng trở thành bạn tri kỷ, hay những đôi bạn trẻ bén duyên vợ chồng, sống hạnh phúc đến cuối đời…

Phó tàu TN2 Trần Đức Xuyên trong khoảnh khắc chúc Tết người thân giây phút đón giao thừa ở trên tàu
Phó tàu TN2 Trần Đức Xuyên trong khoảnh khắc chúc Tết người thân giây phút đón giao thừa ở trên tàu
Tết của những người trên chuyến tàu TN2 đưa hành khách về quê đoàn tụ cùng gia đình
Tết của những người trên chuyến tàu TN2 đưa hành khách về quê đoàn tụ cùng gia đình

Theo anh Đào Công Trọng (34 tuổi), trưởng tàu phụ trách chạy tàu TN2, anh luôn nghĩ rằng nghề đi tàu là lấy hạnh phúc của hành khách là hạnh phúc của bản thân. “Nói chung nghề này không có Tết, chủ yếu là phục vụ nhân dân. Tôi làm trong ngành đường sắt 9 năm thì 8 năm ăn tết và đón giao thừa ở trên tàu”, anh nói. Trong đêm giao thừa, không ít lần chúng tôi thấy anh bồn chồn vì chưa liên lạc được với vợ để hỏi thăm tình hình ăn Tết ở nhà.

Đến sáng hôm sau, bao nhiêu lo lắng trong anh mới tan biến sau cuộc điện thoại ngắn ngủi với vợ. Giữa công việc bề bộn, anh chỉ kịp chúc Tết vợ, hỏi thăm sức khỏe con nhỏ rồi nói lời tạm biệt.

Cứ thế, con tàu lần lượt dừng lại ở từng sân ga, đưa từng hành khách về đến nhà, sum vầy cùng gia đình. Tổ tàu, lái tàu… là những người về đến nhà muộn nhất rồi lại hối hả theo tàu quay vào Nam.

Anh Đức - Viết Hảo