TPHCM:
Tàu cao tốc “triệu đô” sẽ thay thế tàu cánh ngầm
(Dân trí) - Theo kế hoạch, tàu cao tốc hai thân đầu tiên do kỹ sư trong nước thiết kế và sản xuất với vốn đầu tư khoảng 1 triệu USD sẽ được khai thác trên tuyến TPHCM – Vũng Tàu vào tháng 11 tới, thay thế cho tàu cánh ngầm cũ trước đây.
Ngày 16/8, tàu cao tốc hai thân Greenlines DP được kiểm tra, chạy thử nghiệm trên sông Sài Gòn. Đơn vị khai thác cho biết, tàu cao tốc 2 thân do kỹ sư trong nước thiết kế và sản xuất, còn máy móc được nhập từ nước ngoài. Tàu có 2 máy nên không lo vấn đề tàu chết máy, trôi dạt trên sông, biển.
Tàu có chiều dài khoảng 16,6m, chở được khoảng 60 hành khách. Với tốc độ từ 55 – 60 km/h, tàu chạy tuyến TPHCM – Vũng Tàu mất khoảng 1 giờ 15 phút. Tàu được đánh giá là chạy êm, tiết kiệm nhiên liệu và không tạo sóng làm ảnh hưởng đến tàu của ngư dân.
Theo đơn vị khai thác, do tàu được đóng trong nước với vật liệu nhập khẩu nên chi phí khoảng 1 triệu USD một chiếc, giá chỉ bằng 1/3 so với nhập nguyên chiếc từ châu Âu.
Theo kế hoạch, sau khi hoàn tất các thủ tục, tàu sẽ được đưa vào khai thác từ đầu tháng 11 tới. Giá vé xấp xỉ với tàu cánh ngầm trước đây (khoảng 250.000 đồng/vé).
Tại buổi chạy thử nghiệm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật đánh giá cao việc doanh nghiệp tự nghiên cứu, chế tạo tàu cao tốc mới để thay thế cho các tàu cánh ngầm vốn đã cũ kĩ và thường xảy ra sự cố gây tâm lý hoang mang cho hành khách. Thứ trưởng mong muốn những tàu cao tốc này được đưa vào khai thác càng sớm càng tốt.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, Bộ Giao thông vận tải sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, vì với hơn 17.000 km đường thủy nội địa, có thể giảm tải rất nhiều cho giao thông đường bộ.
Về phía Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Phó chủ tịch chuyên trách Khuất Việt Hùng cũng cho biết, hầu hết các tàu cao tốc, cánh ngầm đang hoạt động ở Việt Nam sẽ hết hạn sử dụng vào cuối năm nay và đầu năm sau. Vì vậy, việc một doanh nghiệp trong nước tiên phong đóng mới tàu cao tốc là rất cần thiết cho nhu cầu hiện nay, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng vận tải đường thủy nội địa và kéo giảm tai nạn.
Quốc Anh