Tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm đảng viên liên quan vụ FLC, AIC
(Dân trí) - Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, việc tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm liên quan vụ FLC, AIC, Vạn Thịnh Phát… là một trong những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm.
Nội dung này được ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhấn mạnh khi phát biểu tại Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, diễn ra sáng 10/7.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong nửa đầu năm 2023, cơ quan kiểm tra đảng các cấp đã chủ động, thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.
"Nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp được kiểm tra, xử lý dứt điểm (như các vụ việc ở Lào Cai, Thanh Hóa, Đồng Nai); những vụ việc mới phát sinh được phát hiện, kiểm tra, xử lý kịp thời (như các vụ việc trong kê khai tài sản, thu nhập)", ông Tú nói.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Tổng Bí thư (Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực) về việc kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Điển hình như các vi phạm liên quan đến Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Theo ông Tú, qua kiểm tra, giám sát, nhận thức của nhiều tổ chức đảng, đảng viên được nâng lên, trong đó nhiều tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra, giám sát đã rất cầu thị, nghiêm túc nhìn nhận vi phạm, khuyết điểm, chủ động khắc phục kịp thời hậu quả gây ra.
Đây cũng là mục tiêu chính của công tác kiểm tra, giám sát và là chỉ đạo, mong muốn của Tổng Bí thư, rằng kiểm tra, giám sát để cán bộ, đảng viên nhìn nhận thấy vi phạm, không mắc phải những sai lầm nữa chứ không phải để xử lý.
Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chưa thật sự quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.
Cũng theo ông Tú, việc phát hiện, quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm còn hạn chế; xem xét, thi hành kỷ luật một số trường hợp không tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm.
Bên cạnh đó, có nơi còn tái phạm, có nơi sau giám sát không sửa chữa, khắc phục, phải kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, phải thanh tra, thậm chí phải điều tra, xử lý theo pháp luật.
Nhìn nhận nhiều thách thức trong 6 tháng cuối năm, ông Tú cho rằng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn diễn biến phức tạp, tinh vi.
Bên cạnh những vi phạm tồn đọng, kéo dài, có những vi phạm mới phát sinh liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tổ chức đảng và đảng viên (như vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, đầu tư công, phòng chống dịch, đăng kiểm…).
Từ thực tế đó, ông chỉ ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện, trong đó lưu ý thực hiện nghiêm kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh nhiệm vụ trong tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Đó là các vụ việc liên quan đến vi phạm của Tập đoàn FLC, Công ty AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị các ban thường vụ tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, đảng đoàn, ban cán sự đảng... sớm hoàn thành việc kiểm tra và báo cáo kết quả về cơ quan này.
Báo cáo sơ kết cho thấy trong 6 tháng cuối năm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 12 tổ chức đảng và 25 đảng viên.
Cơ quan này cũng đã thành lập đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 8 tổ chức đảng, đồng thời chỉ đạo 66 cấp ủy, tổ chức đảng để kiểm tra, thanh tra dự án/gói thầu do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC và các doanh nghiệp hệ sinh thái AIC thực hiện…
Về việc kiểm soát tài sản, thu nhập, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp nhận 1.702 bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Cơ quan này đã kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản thu nhập đối với 50 trường hợp (trong đó 5 trường hợp có vi phạm, phải thi hành kỷ luật).