1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tảo mộ cuối năm

(Dân trí) - Những ngày này, dù bận rộn đến mấy, các gia đình vẫn thu xếp thời gian đi tảo mộ. Thoát khỏi những tất bật, vội vã của dịp cuối năm, nhịp sống như chậm lại, trầm lắng khi hướng lòng về người đã khuất.

Hai ngày 24 - 25 tháng Chạp (tức 27 - 28/1) vừa qua, ngay từ sáng sớm, dòng người từ các hướng nối nhau đổ về nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TPHCM), mang theo nhiều đồ lễ làm lễ viếng cuối năm cho những người đã nằm yên nghỉ. Nhiều nhà còn mang theo cuốc xẻng, chổi để dọn dẹp cây cỏ, rác cho ngôi mộ.

Bước vào khu vực nghĩa trang, không ai bảo ai, mọi người tự biết giữ yên tĩnh cùng với sự kính cẩn đối với người đã khuất. Có người đến viếng ông bà, bố mẹ, anh em họ hàng và cũng có cả người đầu bạc viếng kẻ đầu xanh.

Tảo mộ cuối năm - 1

Hơn 30 năm nay, cứ đến ngày 25 tháng Chạp, chị Giàu lại đi viếng mộ ba và mời ông về ăn Tết với con cháu (Ảnh: Hoài Nam)

Sau khi nhặt hết rác, nhổ những cây cỏ dại trên ngôi mộ ba, chị Trương Ngọc Giàu (nhà ở quận 8) và cậu con trai Lê Thanh Sang cùng quỳ gối trước ngôi mộ, bày biện đồ viếng nhỏ gọn nhưng đầy đủ. Sau khi thắp nén nhang khấn bố, chị kính cẩn mở lon bia rót lên chân bia mời ba.

“Đã hơn 30 năm nay rồi, dịp cuối năm tôi lại ra đây với ba dù có bận bịu đến mức nào. Đến để kể chuyện năm qua cho ba nghe vì ba vẫn theo dõi từng bước đi của con cháu. Mình ăn Tết thì ở trên này, ông cũng ấm lòng biết rằng con cháu luôn nhớ đến mình” - Thời gian qua đã lâu nhưng dường như cảm xúc về người ba thân yên vẫn trào lên trong chị.

Tảo mộ cuối năm - 2

Người em đến thắp nén nhang cho người chị xấu số vào ngày cuối năm (Ảnh: Hoài Nam)

“Từ khi cháu lên 4 tuổi là tôi dẫn cháu theo để nhắc nhở con rằng con người ta sống phải nhớ đến những bậc sinh thành, họ hàng”, chị Giàu nói thêm. Sau khi thắp hương cho ba, chị và cậu con trai cùng cắm những nén nhang cho những ngôi mộ xung quanh. Những khu mộ nằm lạnh lẽo hàng ngày, giờ trong khói hương trở nên ấm cúng hơn.

Đến ngày 30 Tết, gia đình chị còn làm thêm một mâm cỗ để mời ông bà, cha mẹ và tất cả những người họ hàng nội ngoại đã khuất về ăn Tết cùng con cháu.

Phía xa, một người đàn ông tầm 40 tuổi nhà ở Bà Hom (quận 6) cũng ngồi bày biện bộ quần áo, đôi giày giấy cùng với bánh mỳ, thịt, cho người anh trai đã khuất của mình. Anh trai của anh khi mất chưa kịp có gia đình, chỉ còn mình anh là người thân.

Tảo mộ cuối năm - 3

Kính cẩn trước người đã khuất (Ảnh: Hoài Nam)

“Quanh năm tôi ngập đầu công việc nên dịp cuối năm phải thu xếp đến viếng anh. Tết mình đẹp nhà đẹp cửa, đồ ăn đồ uống đầy đủ thì người đã mất cũng cần được sửa sang, no đủ để họ ấm lòng. Để người mất cô độc là người sống có tội”, anh chia sẻ.

Ở nghĩa trang rộng mênh mông những ngày cuối năm con cháu đến tảo mộ phần nào bớt đi cái hiu quạnh, vắng lặng ngày thường. Nhiều nấm mồ còn văng vẳng tiếng khóc nghẹn ngào của người sống nhớ tới người khuất núi.

“Cao nấm ấm mồ” đối với người Việt là sửa sang chỗ an nghỉ cho người đã mất. Họ đến đây vào những cái cuối năm, mang theo cả tâm tư, chia sẻ về những biến cố, thay đổi của gia đình, dòng họ trong năm qua với người quá vãng. Qua đó, họ cũng cầu mong người đã khuất sẽ che chở cho gia đình khi bước sang năm mới.

Hoài Nam