1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tạo điều kiện để công chức đi bộ đội rồi về làm việc tiếp

(Dân trí) - “Tham gia nghĩa vụ quân sự không chỉ cho thanh niên cơ hội cống hiến, mà còn có bản lĩnh chính trị tốt hơn. Tôi đề nghị tạo điều kiện cho công chức, viên chức tham gia nghĩa vụ quân sự và sau đó trở lại công tác”, đại biểu Nguyễn Sĩ Hội nói.

Cho ý kiến dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Sĩ Hội (Nghệ An) đề nghị thực hiện đồng loạt nghĩa vụ quân sự trong 24 tháng để đảm bảo công bằng. “Có trường hợp cùng nhập ngũ nhưng người về trước, người về sau nảy sinh tâm lý không tốt”, đại biểu Hội nói.

Thực tế làm nghĩa vụ quân sự ở địa phương, đại biểu Nguyễn Sĩ Hội nhận thấy nguyên nhân tạm hoãn nghĩa vụ quân sự quá rộng. Theo đại biểu, trách nhiệm tham gia nghĩa vụ quân sự không chỉ cho thanh niên cơ hội được cống hiến, mà còn giúp có bản lĩnh chính trị tốt hơn.

Đại biểu Hội còn đề nghị tạo điều kiện cho công chức, viên chức tham gia nghĩa vụ quân sự và sau đó trở lại công tác. Bởi ở địa phương, thanh niên xin việc đã vất vả rồi, sau khi đi nghĩa vụ quân sự về nếu không được tạo điều kiện sẽ tiếp tục gặp những khó khăn để xin việc lại.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết quan tâm đến vấn đề bảo đảm sự công bằng trong nghĩa vụ quân sự
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết quan tâm đến vấn đề bảo đảm sự công bằng trong nghĩa vụ quân sự

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa- Vũng Tàu) cho rằng cần có quy định để đảm bảo sự công bằng xã hội trong việc bảo vệ Tổ quốc, vì hiện nay số lượng công dân nhập ngũ ít, đa phần là không nhập ngũ, cũng không thực hiện trách nhiệm gì với nhà nước.

Trong khi dự thảo đưa ra thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự là 24 tháng thì đại biểu Nguyễn Văn Tuyết đề nghị giảm thời gian tại ngũ xuống còn 12 tháng, với lý do trong thời bình nhu cầu quân thường trực không quá cao, cần tập trung nguồn lực phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện cho công dân làm kinh tế phát triển đất nước.

“Thời gian phục vụ tại ngũ trong thời bình nên 12 tháng để tạo điều kiện cho công dân làm kinh tế, phát triển đất nước. Còn độ tuổi nhập ngũ từ đủ 18 tới 27 tuổi để tuyển chọn được nhiều công dân đã học đại học, khắc phục được nhiều hạn chế vướng mắc trong tuyển quân hiện nay và quyền được học tập của công dân”, đại biểu Tuyết phân tích thêm.

Trong khi đó đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) cho biết, dự thảo chỉ có 3 nội dung mới là thu hẹp đối tượng hoãn nhập ngũ, nâng thời hạn phục vụ tại ngũ và nâng độ tuổi gọi nhập ngũ. Những nội dung còn lại có sửa đổi nhưng không làm thay đổi được những bất cập hiện tại đã được Ủy ban Quốc phòng - An ninh chỉ ra và gửi tới các đại biểu Quốc hội trước đây trong đợt giám sát.

Theo đại biểu Trường hàng năm có 6-7 triệu công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ nhưng nhà nước chỉ gọi khoảng 6% trong số đó. Thành phần công dân tham gia phục vụ tại ngũ có tới 79,4% con em nông dân, chỉ có 2,24% con em cán bộ, 0,63% con em thợ thủ công… Đại biểu cũng cho biết, chất lượng thành phần nhập ngũ cũng chưa tương xứng, trong đó cao đẳng, đại học khoảng 0,64%; trung học cơ sở lấy 39%, tiểu học còn lấy là để có nguồn đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số.

Đại biểu Lê Việt Trương cho rằng, việc xử lý hành vi vi phạm Luật Nghĩa vụ quân sự cũng chưa thật nghiêm minh. Trong thời gian 2005 - 2011 có 49.572 trường hợp trốn khám tuyển, xử lý 100% hành chính; 4.612 người trốn, chống lệnh gọi nhập ngũ nhưng chỉ xử lý hình sự 4 người vào năm 2011, trước đó thì không có trường hợp nào.

“Tất cả tồn tại đó không phải do luật hiện hành vướng, mà chất lượng thanh niên đầu vào tăng cường cho quân đội huấn luyện, nâng cao chất lượng sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi cho rằng bất cập chủ yếu do công tác tổ chức thực hiện, vì qua giám sát có địa phương diện miễn hoãn vì lý do nào đó”, đại biểu Lê Việt Trường giải thích thêm.

Đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) cho rằng từ hòa bình tới chiến tranh không xa, nên tiềm lực chuẩn bị cho chiến tranh rất quan trọng. Ngoài ra, đại biểu đề nghị nên chỉ có 2 mức 12 và 18 tháng đối với những đối tượng đã tốt nghiệp đại học.

Theo đại biểu Hà Huy Thông (Thừa Thiên - Huế) nếu nâng 18 tháng lên 24 tháng sẽ còn có những bất cập khi những người đi nghĩa vụ quân sự sẽ phải tăng thời gian nhập ngũ trong khi lại có người không nhập ngũ ngày nào. Vì vậy phải nghiên cứu nghĩa vụ thay thế để gắn trách nhiệm của 94 - 95% số công dân trong độ tuổi không tham gia nghĩa vụ quân sự.

Quang Phong