Tăng tuổi hưu gây thêm khó khăn cho lớp trẻ chờ việc
(Dân trí) - Cách tính toán về nguy cơ vỡ quỹ lương hưu chưa chính xác, thỏa đáng. Luật Lao động quy định tuổi hưu mới có hiệu lực nay lại sửa đổi; tăng tuổi hưu (nữ lên 60 và nam lên 62 tuổi) càng tạo khó khăn cho lớp lao động trẻ đang chờ việc.
Bà Trương Thị Mai, Ủy viên UBCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc Hội đưa ra thông báo: Tính đến cuối năm 2013, tổng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đã đạt khoảng 10,8 triệu người, tương đương khoảng 78% tổng số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, nhóm đối tượng thuộc diện tự nguyện lại ở mức thấp, chỉ đạt 173 nghìn người, tương đương 0,5% tổng số thuộc diện tham gia. Theo tính toán, trong tương lai hàng triệu lao động bước vào tuổi nghỉ hưu không có thu nhập. Gánh nặng sẽ sẽ thuộc về Nhà nước, đó là khoản trợ cấp xã hội (năm 2014 mức trợ cấp xã hội đạt 270 đồng/người/tháng, với ước tính kinh phí khoảng 4.500 tỷ đồng).
Còn theo tờ trình của Chính phủ, Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần. Năm 2007, tỉ trọng số chi so với số thu chỉ chiếm 57,2%, thì sang năm 2008 con số này là 73,7%, năm 2010 là 76,3%; ước năm 2013 là 76,6%. Để tránh vỡ quỹ BHXH, Chính phủ đề nghị từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi, cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng đưa ra ý kiến không tán thành. Ông Chính cho biết, đa số người lao động (NLĐ) khi tiếp xúc và khảo sát của Tổng liên đoàn đều không đồng tình về việc nâng tuổi nghỉ hưu, nhất là LĐ nữ. Theo ông Chín, Bộ Luật Lao động 2012, mới có hiệu lực từ 1/5/2013 đã khẳng định tuổi nghỉ hưu của người lao động nam là 60, nữ 55. Như vậy, Luật vừa mới áp dụng thì nay dự thảo Luật BHXH lại đề nghị tăng điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là không phù hợp. “ Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu rất nhạy cảm, hầu hết các quốc gia đều điều chỉnh dần dần và không điều chỉnh khi đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng và tỷ lệ thất nghiệp lao động trẻ cao. Tôi đề nghị tuổi nghỉ hưu nên phụ thuộc vào ngành nghề mà và thực hiện theo đúng Điều 187 Bộ luật Lao động” - ông Chính nói.
Trước đó, theo bản tin cập nhật thị trường lao động do Bộ LĐ-TB&XH cùng Tổng cục Thống kê công bố, trong quý IV-2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp, trong đó có tới 72.000 cử nhân, thạc sĩ.
Về vấn đề này, một số đại biểu cũng đề nghị thay vì tăng tuổi nghỉ hưu, nên tính toán đến nhiều giải pháp khác nhau để tránh ảnh hưởng đến lớp lao động trẻ đang đối mặt với tình trạng thiếu việc làm.
Dưới góc độ cơ quan soạn thảo, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đưa ra lý giải: Kéo dài tuổi hưu là một giải pháp tránh vỡ quỹ. Nghiên cứu của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, trong số 40 quốc gia chỉ có có quốc gia áp dụng nghỉ hưu ở tuổi 55 đối với nữ. Sở dĩ lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đưa ra mức tăng mỗi năm 4 tháng là để không ảnh hưởng đến thị trường LĐ. Theo dự luật lần này, phải sau 15 năm nữa mới đạt độ tuổi nghỉ hưu 60 ở nữ, còn nam là 6 năm nữa.
Ý kiến chỉ tăng tuổi hưu ở một số nhóm lao động cụ thể cũng được tổ soạn thảo ghi nhận và sẽ trình lên Chính phủ để đưa ra quyết định cuối cùng. Bà Chuyền khẳng định, riêng khu vực người lao động trong môi trường nặng nhọc, độc hại sẽ được bổ sung, hoàn thiện dự án luật, đảm bảo nguyên tắc đóng, hưởng có điều kiện với tính khả thi cao.
Thanh Trầm