1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Tăng trưởng nhanh như xây nhà cao tầng trên nền đất yếu”

(Dân trí) - “Chính phủ báo cáo tăng trưởng nhanh, đời sống người dân được cải thiện nhưng quá nhiều cử tri phàn nàn lạm phát cao… ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống” - đại biểu trăn trở khi thảo luận, đánh giá nhiệm kỳ công tác của Chính phủ.

Nhiệm kỳ “chạy theo” tăng trưởng

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) nhận xét: “Việc chỉ đạo điều hành của Chính phủ nhiệm kỳ qua hơi yếu nên các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội vẫn chưa thực sự được đưa vào cuộc sống”.

Đại biểu đánh giá năng lực điều hành vì chưa nhận thấy nhiều chuyển biến mạnh mẽ, chưa đạt như mong muốn của cử tri và đại biểu nên “nghị trường luôn luôn nóng”.

“Tăng trưởng nhanh như xây nhà cao tầng trên nền đất yếu” - 1
Đại biểu Lê Văn Cuông: “Quốc hội nói nhiều mà cơ quan điều hành vẫn không thay đổi”.

Ông Cuông dẫn chứng cụ thể, Quốc hội đã nhiều lần nói về việc chạy theo mục tiêu tăng GDP, rót nhiều tiền để tạo ra tăng trưởng, chất lượng nền kinh tế không cao, thậm chí phát sinh nhiều tiêu cực nhưng cơ quan điều hành vẫn không thay đổi, dẫn đến bội chi, ICOR cứ năm sau cao hơn năm trước.

Tình trạng lạm phát nghiêm trọng, đời sống người dân khó khăn, thiếu tin tưởng vào đồng tiền Việt Nam nên quay sang mua “đô” mua vàng tích trữ… hiện nay, theo đại biểu, cũng là hệ quả từ hướng điều hành này.

Đại biểu Nguyễn Danh (Gia Lai) lại cho rằng các biện pháp điều hành của Chính phủ còn mang nhiều tính chất tình thế, thiếu chiến lược. Ông Danh đề cập đến những biểu hiện “ngược” so với nhiều quốc gia trong khu vực như cán cân thương mại luôn âm trong khi các nước bạn đều xuất siêu. Mà khoản nhập siêu của Việt Nam lớn nhất là đối với những mặt hàng xa xỉ.

Dự trữ ngoại tệ các nước xung quanh ngày càng tăng trong khi Việt Nam lại có xu hướng giảm. Đầu tư công rất cao mà lại không phát huy được nguồn vốn trong dân. Thâm hụt ngân sách ngày càng cao, nợ công ngày càng lớn tạo gánh nặng trả nợ cho mai sau…

“Điều đó thể hiện việc quản lý kém” - đại biểu kết luận.

Bắt “bệnh” công tác quản lý, điều hành, ông Danh không giấu gay gắt vì tình hình vậy nhưng báo cáo của Chính phủ vẫn đánh giá đời sống nhân dân tiếp tục cải thiện.

“Tiếp xúc cử tri, quá nhiều người phàn nàn lạm phát quá cao so với các nước, gấp 2 lần Trung Quốc, 3 lần Thái Lan; khoảng cách chênh lệch giàu nghèo tới 9 - 10 lần… ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống” - đại biểu chỉ rõ.

Cũng hướng đến vấn đề quy trách nhiệm, Chủ nhiệm UB pháp luật Nguyễn Văn Thuận (đại biểu Quảng Nam) yêu cầu Chính phủ tự kiểm điểm về kiểm soát suy thoái, tham nhũng trong nhiệm kỳ công tác chứ không thể chỉ chú trọng báo cáo thành tựu.

Ông Thuận khẳng định không thể phủ nhận các thành tựu, kinh tế tăng trưởng cao nhưng trong đó có những khuyết điểm kéo dài, nhìn thẳng ý nghĩa tăng trưởng phần lớn do tăng giá để thấy tăng trưởng nhanh nhưng đời sống người dân lại khó khăn hơn.

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cùng quan điểm đánh giá một nhiệm kỳ điều hành của Chính phủ vẫn nặng về mục tiêu tăng trưởng, chưa đi sâu về chất lượng. Ông Lịch ví von: “Chúng ta xây nhà cao tầng trên nền đất yếu nhưng chưa quan tâm gia cố móng. Trong khi đó, yêu cầu cao nhất phải là tăng trưởng bền vững chứ không phải chạy theo con số”.

Xã hội bức xúc, người dân nhiều… tâm trạng

“Tăng trưởng nhanh như xây nhà cao tầng trên nền đất yếu” - 2
Đại biểu Trần Du Lịch: “Điều hành của Chính phủ nặng về mục tiêu tăng trưởng”.

Đại biểu Lê Văn Cuông dẫn chứng thêm vấn đề một số chương trình, dự án quan trọng quốc gia, việc chuẩn bị của Chính phủ còn hời hợt, chưa sâu sắc nên khi trình Quốc hội không tạo được sự đồng thuận cao.

Lấy ví dụ việc sáp nhập Hà Nội - Hà Tây, quy hoạch Hà Nội, khai thác bô-xít, đầu tư đường sắt cao tốc… ông Cuông cho rằng đại biểu bấm nút cũng trong trạng thái “ép”. Đại biểu đặt dấu hỏi nguyên nhân do “chạy đua thời gian hay năng lực”?

Với 2 lĩnh vực y tế, giáo dục, ông Cuông bức xúc kể, cả nhiệm kỳ vẫn phải “đau đáu” vì giáo dục bị thương mại hóa, bằng cấp tràn lan mua bán, bệnh viện thì quá tải. “Nói quá nhiều mà sao không chuyển biến, thậm chí tình trạng càng lúc càng trầm trọng hơn” - đại biểu than.

Đại biểu Lê Quang Bình (Chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh) “gật đầu” với nhiều nhận định của ông Cuông, khái quát lại vấn đề của 4 năm qua là phát triển kinh tế không cân đối với xã hội.

“Xã hội có quá nhiều bức xúc. Nếu làm một cuộc điều tra sâu sắc về đời sống người dân thì chắc sẽ ghi nhận nhiều… tâm trạng lắm” - ông Bình cho rằng gốc của vấn đề là từ tệ quan liêu, tham nhũng, chạy chức chạy quyền… dẫn tới chất lượng cán bộ điều hành hoạt động nhà nước không đảm bảo.

Hiện tượng này, theo ông Bình, dù chỉ một số nhưng cũng không phải là số ít nên “mỗi khi có sự kiện, sắp xếp, thay đổi gì là cảm nhận rất rõ tình trạng… chạy”.

Chủ nhiệm UB quốc phòng an ninh ghi nhận, trong báo cáo nhiệm kỳ, Chính phủ cũng đã thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này nhưng hướng khắc phục vẫn chưa được làm rõ. Đại biểu đề nghị lật lại vấn đề từ thể chế, không rõ ràng trong phân quyền, quản lý nên không giao được trách nhiệm “tận tay”.

Vụ việc xảy ra tại Vinashin theo ông Bình là một ví dụ điển hình: “Không thể quy ra được là ai có trách nhiệm nên khi xét lại cũng không thể kết luận, kiểm điểm trách nhiệm ai”.

Phương Thảo - Lan Hương