1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Đáng phê bình vì tăng giá cao gấp đôi tăng trưởng”

(Dân trí) - “Năm 2010, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt hơn 10% mà tăng giá tiêu dùng chỉ 5%. Trong khi đó Việt Nam tăng trưởng được 6,78% thì tăng giá tới 11,75%. Mức tăng giá cao gần gấp đôi mức tăng trưởng thì rất đáng phê bình…”

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên thẳng thắn “truy vấn” sau phiên thảo luận về báo cáo bổ sung tình hình KT-XH những tháng cuối năm 2010 của Chính phủ tại UB Thường vụ QH hôm nay 18/2.
 
“Sự thật của tăng trưởng phần lớn do tăng giá”
 
Cho ý kiến về Báo cáo KT-XH năm 2010 bổ sung, Chủ nhiệm UB dân tộc Ksor Phước “đi thẳng” vào vấn đề lạm phát cao làm các thành tựu kinh tế giảm đi rất nhiều ý nghĩa. Hệ lụy gây thiệt hại nhất cho người nghèo, những người làm công ăn lương.
 
Chưa hài lòng với những giải pháp Chính phủ đề ra để kiềm chế lạm phát trong năm 2011, ông Ksor Phước kiến nghị những động thái quyết liệt hơn.
 
“Đáng phê bình vì tăng giá cao gấp đôi tăng trưởng” - 1
Lạm phát, bão giá ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động nghèo.
 
Cũng đứng từ góc độ người lao động nghèo, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai băn khoăn vì chỉ tiêu tăng giá tiêu dùng vượt mọi dự báo. Kỳ họp QH cuối năm 2010, Chính phủ “xin” du di CPI trong khoảng 7 - 8%. Vậy mà con số chốt kết thúc năm vọt lên 11,75%, bà Mai cho là… choáng.
 
Vấn đề càng thêm lo ngại khi 2 tháng đầu năm 2011 lạm phát vẫn tiếp tục “nóng bỏng”, CPI tăng cao hơn cả năm có mức lạm phát cao nhất. Giá xăng lại rục rịch tăng, giá điện dự kiến sẽ tăng 18% từ ngày 1/3, giá than cũng lên tiếp. Bà Mai yêu cầu cần quan tâm nhiều hơn để có thể dự báo sát diễn biến CPI năm 2011, kịp thời ứng phó.
 
Lạm phát “đánh” trước hết vào người nghèo. Bà Mai yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH tính lại tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo “chuẩn”… giá mới và nghi ngại thêm nhiều người, nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh khó vì ngay cả mức hiện tại cũng là quá thấp so với đời sống của người dân.
 
Với các giải pháp kiềm chế lạm phát được kiến nghị, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội cũng cho rằng chưa đủ “độ”, cần mạnh mẽ hơn với yêu cầu cấp thiết trước mắt phải giảm ngay sức ép tăng giá, trượt giá.
 
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận ưu tư: “Nhìn vào con số tăng trưởng, thu chi, mới chỉ thấy về lượng. Xét về chất, về sự thật của mức tăng trưởng, ngoài yếu tố sản xuất kinh doanh tạo ra thì phần lớn lại nằm ở tăng giá, đồng tiền mất giá. Nếu chỉ nhìn vào con số thì rất dễ thỏa mãn. Người dân vẫn hỏi là năm nào tăng trưởng cũng cao, con số đẹp nhưng đời sống không tăng kịp so với con số đó. Đó là câu hỏi cần phải trả lời”.
 
Điều hành sớm tự mãi dẫn tới… "xảy chân"
 
“Đáng phê bình vì tăng giá cao gấp đôi tăng trưởng” - 2
Biểu đồ diễn biến giá tiêu dùng năm 2010.
 
Tổng kết lại vấn đề, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên truy xét khá gay gắt. Ông Kiên điểm lại kỳ họp đầu năm 2010, khi giao chỉ tiêu tăng giá tiêu dùng không quá 7% là QH đã tính đến yếu tố rủi ro của một nền kinh tế chưa ổn định.
 
“Kỳ họp cuối năm đã phải “nới” khung tới 8% nhưng xem chừng Nghị quyết thì QH cứ ban ra còn cơ quan chấp hành Nghị quyết cứ việc mình làm nên Nghị quyết vẫn không được đảm bảo thực hiện theo quy định pháp luật” - ông Kiên bức xúc.
 
Con số CPI tới 11,75% nêu ra, theo ông Kiên vẫn còn thấp hơn thực tế. “Mức tăng giá cao gần gấp đôi mức tăng trưởng kinh tế - đây là vấn đề rất đáng phê bình” - Phó Chủ tịch QH thẳng thắn.
 
Ông Kiên nêu ví dụ so sánh, năm qua, chỉ số tăng trưởng của Trung Quốc trên 10% mà tăng giá chỉ 5%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng GDP 8% thì CPI cũng chỉ 3 - 4%. Chỉ số tăng giá như vậy chỉ bằng nửa tăng trưởng trong khi Việt Nam thì ngược lại, không thể tạo cuộc sống tốt hơn cho người dân.
 
Để việc tăng giá mất kiểm soát, theo ông Kiên là do lỗi điều hành. Phó Chủ tịch QH phân tích: “9 tháng đầu năm 2010 công tác điều hành rất tích cực nhưng cuối quý 3, sang quý 4 lại hơi buông lỏng và hơi thỏa mãn với những gì đạt được, cộng với nhiều yếu tố khó lường dồn vào cuối năm nên dẫn tới “xảy chân”.
 
Ông Kiên yêu cầu, khi triển khai nhiệm vụ năm 2011 phải đặc biệt lưu ý công tác dự báo và điều hành một cách quyết liệt, mang tính thường xuyên giữa các tháng, các quý trong năm để quyết đạt được chỉ tiêu lớn, mang tầm vĩ mô như Nghị quyết QH đề ra.
 
P. Thảo