1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Tăng thuế xe nhập có làm giảm ách tắc giao thông?

(Dân trí) - Ông Trần Lâm - một chủ salon xe nhập khẩu tại Hà Nội lập luận gay gắt: “Nếu thật sự chủ trương tăng thuế nhằm mục đích giảm ách tắc giao thông, Bộ Tài chính phải tăng thuế cho cả xe trong nước chứ sao lại chỉ tăng thuế riêng với xe nhập khẩu”.

Ách tắc cục bộ - tăng thuế toàn quốc (?)

 

Hơn một năm qua Bộ Tài chính đã có 3 lần giảm thuế nhập khẩu ô tô từ 90% xuống đến 60% khiến người tiêu dùng Việt Nam những tưởng đã gần đến ngày được sở hữu xe ô tô với giá trị thực của nó. Tuy nhiên, quyết định tăng thuế lên 70% ngày 11/3 vừa qua với lý do “hạn chế ách tắc giao thông” của Bộ Tài chính đã dập tan hy vọng đó.

 

Trong cả năm 2007 đến tháng 2/2008, xe lắp ráp trong nước vẫn chiếm thị phần đa số, từ 56% đến 75% tùy thời điểm và giá bán luôn rẻ hơn xe nhập cùng chủng loại.

 

Nếu thực sự muốn hạn chế lưu thông để “giảm ách tắc” thì có lẽ trước tiên Bộ Tài chính cần xem xét đến thuế cho xe lắp ráp trong nước trước khi nhìn sang khối tiêu thụ nhỏ hơn là xe nhập.

 

Thực tế hiện nay, vấn đề ách tắc giao thông chủ yếu xảy ra ở 2 thành phố Hà Nội và Thành phố HCM, nhưng tăng thuế sẽ khiến giá xe nhập tăng đồng loạt trên toàn quốc.

 

Ách tắc giao thông là bài toán ở một số thành phố và đây là câu chuyện của chính quyền địa phương về phải nghiên cứu các giải pháp hạn chế giao thông bằng ô tô cá nhân như phí giao thông, điều kiện vận hành xe, phân luồng phân tuyến .v.v. chứ không phải chỉ đưa ra giải pháp hạn chế mua bán.

 

Có hợp lý không khi áp dụng phương án tổng thể cho cả nước để giải quyết 1 bài toán mang tính cục bộ ở một số địa phương? 

 

“Với việc chỉ tăng thuế xe nhập, nếu có nhu cầu thật sự thì người tiêu dùng sẽ tìm đến các mẫu xe lắp ráp trong nước. Như vậy phải chăng đây chỉ là cách “đánh bùn sang ao” của Bộ Tài chính nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho các liên doanh ô tô trong nước?” – ông Lâm bức xúc.

 

Kẻ khóc người… cười

 

Quyết định tăng thuế ô tô nhập khẩu lên 70% của Bộ Tài chính ngày 11/03 vừa qua đã khiến không ít doanh nghiệp trở tay không kịp, nhưng cũng không thiếu nhà nhập khẩu kịp tăng giá, ém hàng chờ mức thuế mới có hiệu lực để tăng lợi nhuận.

 

Việc điều chỉnh thuế có hiệu lực 15 ngày sau khi đăng công báo, một số doanh nghiệp đã trở tay không kịp trong khi một số khác lại hưởng lợi “đục nước béo cò”.

 

Ông Lê Thanh Hà, Giám đốc Nhật Đức Auto - một doanh nghiệp nhập khẩu xe quy mô khá lớn tại Hà Nội – bức xúc nói: “Doanh nghiệp chúng tôi chủ yếu nhập xe từ Bắc Mỹ, xe đã lên tàu nhưng phải mất từ 25 đến 40 ngày nữa mới có thể cập cảng Việt Nam. Nếu quyết định tăng thuế chính thức công bố nay mai thì số xe này sẽ phải chịu mức thuế mới. Tai hại là lô hàng trị giá hơn 300 ngàn USD này đã được ký kết và nhận tiền của khách hàng với mức thuế cũ, do vậy chúng tôi sẽ bị mất trắng hơn 30 ngàn USD vì phải gánh thêm 10% thuế mới ”.

 

Trong khi đó, một số doanh nghiệp lại ung dung đón nhận mức thuế mới vì đã kịp “găm hàng” trước đó, hoặc hối hả “đánh hàng” từ các nước có thời gian vận chuyển đường biển về Việt Nam từ 7 đến 10 ngày (như Hàn Quốc) nhằm hưởng lợi từ việc chênh lệch thuế.

 

Số khác lại như Euro Auto – doanh nghiệp nhập khẩu xe BMW – lại tranh thủ tuyên bố sẽ tăng giá xe từ 10 đến 15%, mặc dù theo tính toán nếu mức thuế tăng từ 60 lên 70% thì giá xe chỉ tăng hơn 6%!

 

Bảo hộ hay tạo ra một “sân chơi” không công bằng bằng chính sách thuế chỉ các liên doanh trong nước hưởng lợi, còn các nhà nhập khẩu tuy có thua lỗ ở một lô hàng nhưng về lâu dài, như chủ một salon nói “thuyền lên nước lên, thuế cao thì bán đắt!”.

 

“Trăm dâu đổ một đầu tằm”, cuối cùng thì cũng chỉ người tiêu dùng là gánh chịu thiệt thòi.

 

Kar

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm