1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thanh Hóa:

Tăng thời gian hoạt động của trạm cân lưu động

(Dân trí) - Sau nhiều tháng chỉ hoạt động trong giờ hành chính, đến nay, trạm cân lưu động đã hoạt động thành 3 ca, bên cạnh lực lượng thanh tra giao thông còn có thêm sự phối hợp của lực lượng cảnh sát giao thông.

Bắt đầu từ ngày 21/4, trạm cân lưu động trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua Thanh Hóa đã có sự phối hợp của hai lực lượng là Cảnh sát giao thông (CSGT) và Thanh tra giao thông (TTGT). Trước đó, từ tháng 12/2013 - từ khi Thanh Hóa được cấp trạm cân đến đầu tháng 4/2014, trạm cân do lực lượng TTGT phụ trách. Do lực lượng ít nên trạm cân chỉ hoạt động trong giờ hành chính.

Trạm cân lưu động đặt trên tuyến đường tránh TP Thanh Hóa.
Trạm cân lưu động đặt trên tuyến đường tránh TP Thanh Hóa.

Một thực tế diễn ra trong thời gian qua khi trạm cân chỉ hoạt động trong giờ hành chính nên nhiều tài xế đã cố tình tìm cách “né” trạm cân. Khi xe gần đến khu vực có lực lượng và phương tiện cân tải trọng, các tài xế đã cho xe đứng xếp hàng bên đường hoặc “lách” vào các điểm nghỉ chân ven đường gần khu vực đặt trạm cân, chờ khi lực lượng TTGT nghỉ sẽ cho xe qua trạm.

Trên cơ sở kế hoạch liên ngành giữa Bộ GTVT và Bộ Công an, từ ngày 21/4, hai lực lượng TTGT và CSGT Thanh Hóa đã phối hợp thực hiện cân tải trọng xe tại trạm cân đặt trên tuyến đường tránh thành phố Thanh Hóa.

Theo ông Trịnh Ngọc Minh, Chánh TTGT, Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, sở dĩ lâu nay trạm cân chỉ do mình lực lượng TTGT phụ trách và chưa triển khai được việc phối hợp với CSGT là vì trùng vào kế hoạch 2799 về việc phối hợp quản lý, tổ chức vận tải, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với xe ô tô chở khách trong dịp tết nguyên đán Giáp Ngọ và mùa lễ hội.

Xe được tiến hành cân tải trọng.
Xe được tiến hành cân tải trọng.

Bên cạnh đó, khi trạm cân được Bộ GTVT cấp về cho Thanh Hóa, ngành giao thông không làm ngay thì không được. Cũng theo ông Minh thì lâu nay, giữa hai ngành vẫn thường xuyên thực hiện các kế hoạch liên ngành rất tốt.

Hiện hai ngành đã thành lập một tổ gồm 9 thành viên CSGT và 9 thành viên TTGT, do lực lượng CSGT làm tổ trưởng và TTGT làm tổ phó. Đồng thời, lực lượng liên ngành sẽ tiến hành cân tải trọng xe từ 6h sáng đến 22h đêm, chia làm 3 ca.

Ngày đầu tiên phối hợp hai lực lượng đã tiến hành cân tải trọng được 50 xe, trong đó có 12 xe quá tải. Có những trường hợp xe chở quá tải trên 100%. Cũng có những trường hợp không quá tải về cầu đường nhưng quá tải về phương tiện được phép chở.

“Từ ngày 10/12/2013 - 30/4/2014, đã tiến hành cân tải trọng hơn 600 xe, trong đó số xe vi phạm quá tải chiếm khoảng 42%. Từ ngày 1/4 - 15/4, số lượng xe vào cân là 250 - 260 xe, số lượng xe cân tăng lên nhưng số lượng xe quá tải đã giảm xuống, chứng tỏ nhiều lái xe đã chấp hành tốt”, ông Minh cho biết.

Một trong những bất cập nảy sinh là hiện nay trạm cân chỉ được đặt một bên và chỉ thực hiện cân tải trọng đối với phương tiện lưu thông từ Bắc vào Nam. Trên thực tế, nhiều phương tiện lưu thông theo hướng ngược chiều có biểu hiện quá khổ, quá tải chưa được cân kiểm tra. Cũng theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, vẫn còn tình trạng xe tải “né” trạm cân bằng cách “cố thủ” trong các nhà hàng ven đường chờ cơ hội qua trạm cân.

Liên quan đến thông tin cho rằng, để “né” lỗi vi phạm quá tải, nhiều xe chở hàng khi qua trạm cân đã sang tải, theo ông Minh, hiện tượng này ở Thanh Hóa chưa có. Tuy nhiên có hiện tượng các lái xe tìm cách đi vào các đường khác để qua trạm cân. Điều này theo ông Minh cũng rất khó quản lý vì Thanh Hóa có 9 tuyến quốc lộ. Việc trốn trạm cân cũng có, nhất là những lúc đổi ca.

Duy Tuyên