1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Nhân ngày Thầy thuốc VN 27/2:

Tặng thân xác cho đời

Dòng người chậm rãi đi giữa hai hàng sinh viên y khoa kính cẩn cúi đầu trong buổi tri ân người hiến xác. Họ, những người đang sống, đã hứa hiến xác cho khoa học khi nằm xuống.

Cả nhà hiến xác

Nơi làm lễ tri ân những người hiến xác cho khoa học được tổ chức tại Trung tâm Đào tạo - bồi dưỡng cán bộ y tế (TTĐT-BDCBYT) TPHCM. Tất cả đều một màu trắng toát. Một chiếc bàn nhỏ phủ khăn trắng, bày biện đơn sơ một ít hoa tươi, trái cây, nhang đèn. Trong phòng tri ân, tám xác người phủ khăn trắng nằm im lìm.

Một đôi vợ chồng trung niên đến bên xác một người còn rất trẻ. Người phụ nữ âu yếm đặt lên đầu người trai trẻ một vòng hoa trắng. Sau đó, họ lại đến bên xác một người đàn ông khoảng 50 tuổi. Họ đứng lặng hồi lâu. Đôi vợ chồng trung niên ấy là anh Nguyễn Phi Hùng và chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (quận Bình Thạnh, TPHCM). Họ đều ở tuổi 50.

Cả gia đình anh chị có đến năm người tình nguyện hiến xác từ năm 2004. Ngoài hai vợ chồng còn có anh ruột của chị là Nguyễn Quang Tuyến (1955), con trai Nguyễn Hồng Phúc (1980) và con nuôi Nguyễn Hồng Phước (1985). Anh chị còn hai con nhỏ là Nguyễn Hồng Minh và Nguyễn Hồng Hạnh cũng tình nguyện hiến xác như cha mẹ nhưng do tuổi còn nhỏ (dưới 18 tuổi) nên chưa làm thủ tục hiến xác được.

Anh Phi Hùng tâm sự: “Đầu năm 2004, chúng tôi tình cờ xem một đoạn phim trên tivi nói về phong trào hiến xác. Vợ chồng tôi liền đến Đại học Y dược TPHCM và TTĐT-BDCBYT tìm hiểu. Lần đầu tiên được chứng kiến lễ tri ân những người hiến xác, chúng tôi cảm thấy có điều gì đó thật cao quí, thật thiêng liêng.

Từ đó, chúng tôi nghĩ dù sống hay chết, còn giúp gì được cho đời cứ giúp. Thân xác mình đem hiến cho khoa học sẽ giúp những thế hệ sau ít bị bệnh tật hơn, bớt khổ đau hơn”. Rồi cả nhà quyết định cùng nhau hiến xác tại TTĐT-BDCBYT.

Nhưng con tạo trớ trêu, “lá xanh rụng trước lá vàng”. Chỉ hơn một năm sau khi tình nguyện hiến xác, tháng 12/2005 Nguyễn Hồng Phúc đột ngột mất vì bệnh. Giữ đúng lời hứa và thực hiện nguyện vọng của con, anh chị báo cho bộ môn giải phẫu của TTĐT-BDCBYT đến nhận xác Phúc về bảo quản. Nỗi đau mất con chưa nguôi, tháng 10/2006 người anh Nguyễn Quang Tuyến cũng qua đời vì bệnh xơ gan.

Tôi tìm gặp cụ ông có mái tóc bạc phơ, ôm di ảnh người vợ (bác Phạm Thị Minh, mất năm 2002, thọ 65 tuổi), ngay hôm ấy. Bác là Lê Văn Quang, 83 tuổi, ở khu phố 6, quận Thủ Đức. Cả hai vợ chồng bác Quang đều tình nguyện hiến xác với mong muốn giản dị “giúp sinh viên y khoa có điều kiện học tập, sau này trở thành bác sĩ giỏi trị bệnh cho nhân dân”.

Sau ba năm để các sinh viên thực tập, năm 2005 bác Minh được đưa đi hỏa táng. Dù vậy, trước hôm diễn ra lễ tri ân, bác Quang vẫn gói ghém di ảnh vợ mang theo. Một mình đón xe buýt đến TTĐT-BDCBYT dự lễ tri ân.

TS.BS Phạm Đăng Diệu, chủ nhiệm bộ môn giải phẫu TTĐT-BDCBYT, cho biết tại Đại học Y dược TPHCM đến nay đã có khoảng 18.000 người đăng ký tình nguyện hiến xác. Riêng TTĐT-BDCBYT cũng có khoảng 1.800 người. Đây là hai trường y khoa có số người đăng ký hiến xác nhiều nhất nước.

Người tình nguyện hiến xác gồm đủ thành phần từ trí thức, học sinh sinh viên đến công nhân, nông dân và cả các vị sư, ni sư và các cha... Trong số này có rất nhiều gia đình cả nhà cùng tình nguyện hiến xác. Có người đã tình nguyện hiến xác còn vận động thêm mấy chục người thân, bạn bè đi hiến xác...

Cứu ngàn sự sống

Tại lễ tri ân, PGS Nguyễn Thế Hiệp, hiệu trưởng TTĐT-BDCBYT, nói như gửi gắm bao tâm tư, trăn trở của mình đến các thầy thuốc: “Từ ngày tốt nghiệp ra trường đến nay đã hơn 30 năm, tôi vẫn nhớ như in giờ phút đầu tiên tiếp xúc với xác người. Chỉ dẫn của các thầy cô đi trước luôn nhắc nhở tôi và nhiều thế hệ thầy thuốc rằng không có mô hình nào có thể thay thế được xác con người.

Vì vậy, xác của những người đã mất không thể thiếu được trong quá trình đào tạo các sinh viên từ khi bắt đầu chập chững vào nghề y. Những người tình nguyện hiến xác đã không tiếc thân mình để cứu ngàn sự sống. Đó là sự hi sinh cao cả, vô bờ bến. Nếu như tất cả sinh viên y khoa, tất cả cán bộ y tế suy nghĩ, nhớ đến những tấm gương này, chắc chắn không thể lệch lạc trên con đường y nghiệp của mình”.

Bác Lê Văn Quang cũng xúc động nhắn nhủ: “Tôi muốn nói với các cháu sinh viên một điều: các cháu đang được học tập, nghiên cứu trên thân xác những người đã khuất. Nếu các cháu thờ ơ, lơ là việc học tập là các cháu có tội với vong linh những người hiến xác. Mong các cháu cố công học tập để sau này trở thành những người thầy thuốc giỏi”.

Lễ tri ân kết thúc khi chiều đã ngả bóng. Lời bài hát tri ân đượm buồn, da diết khiến những bàn chân chưa thể rời bước: “Khi ta mất đi, còn chi trên trần gian này. Khi ta mất đi, còn đâu vui buồn năm tháng. Khi ta mất đi, còn chi bao nhiêu mơ ước. Khi ta hiến thân, niềm vui vẫn còn ở lại. Như bao lá rơi, giàu thêm cho nguồn đất mới, trong thân xác ta là bao tương lai đi tới... Vì người đã hiến thân cho đời. Để rồi đời mãi tri ân người...”.

Và dòng người lại lặng lẽ ra về giữa hai hàng áo blouse trắng. Rồi một ngày nào đó, khi nằm xuống, thân xác họ sẽ được trở lại nơi này, thanh thản hiến mình cho y học.

Theo Lê Thanh Hà
Báo Tuổi trẻ