Tăng lương: Công nhân thờ ơ, viên chức phấn chấn
Thông tin tăng lương tối thiểu mỗi tháng thêm 100.000 đồng áp dụng từ 1/10 đã được người lao động đón nhận với những tâm trạng khác nhau. Trong khi nhiều công nhân tỏ ra thờ ơ thì giới viên chức lại khá phấn khởi. Từ 1/10, khoảng 10 triệu người sẽ chính thức được tăng lương.
Chị Nguyễn Thị Quý, công nhân một xưởng may ở Thanh Trì, Hà Nội, đón nhận thông tin tăng lương tối thiểu lên 450.000 đồng một cách hờ hững: “Dù Nhà nước có tăng nữa thì lương thực tế của tôi vẫn không đổi. Hơn nữa, việc điều chỉnh lần này có thể đẩy giá cả lên cao, chi phí sinh hoạt đắt đỏ hơn”.
Chị Quý cho biết, lần tăng lương từ 210.000 lên 290.000 đồng một tháng, phần lớn công nhân xưởng may của chị rất phấn chấn vì nghĩ sắp được tăng lương. Nhưng sau đó tổng lương không hề tăng. Giám đốc giải thích tăng lương tối thiểu chỉ để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Còn lương thực tế mà chị nhận được hằng tháng là phụ thuộc vào năng suất lao động, số giờ làm thêm và tiền thưởng. “Vì thế, những lần tăng lương sau đó, tôi chẳng chào đón”, chị lý giải.
Không riêng chị Quý, nhiều lao động làm việc tại doanh nghiệp trong nước không mấy hào hứng với đợt tăng lương tối thiểu này, dù mức tăng thêm 100.000 đồng là cao nhất từ trước đến nay. Ông Nguyễn Lê Hùng, Phó giám đốc công ty Minh Trí (Vĩnh Tuy, Hà Nội) xác nhận, về cơ bản lương công nhân sẽ không biến động. “Bởi mức lương thấp nhất cho lao động may giản đơn trong công ty đã là 640.000 đồng, cao hơn mức tối thiểu sắp áp dụng gần 200.000 đồng và chưa bao gồm hệ số thưởng”, ông Hùng cho biết.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty May Sài Gòn 3, cũng cho rằng dù điều chỉnh lương tối thiểu thì thu nhập thực tế của công nhân sẽ không thay đổi. Hiện mức thấp nhất cho người làm tạp vụ, khuân vác tại doanh nghiệp này đã là 1,2 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với mức lương tối thiểu 450.000 đồng. Còn lương bình quân của lao động đã là 2 triệu đồng.
Thực tế, tổng lương của lao động không tăng sau đợt điều chỉnh, nhưng họ vẫn có lợi. Vì lương tối thiểu được dùng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Lương tăng, đồng nghĩa mức đóng bảo hiểm của cả doanh nghiệp và lao động đều tăng, khi về hưu lương công nhân sẽ cao hơn. Hiện mức đóng cho cả hai loại hình bảo hiểm của doanh nghiệp là 17% và của lao động là 6% của tiền lương, tiền công tháng.
Về phía doanh nghiệp, Phó giám đốc Công ty Minh Trí cho biết, khoản đóng góp cho quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sẽ tăng sau đợt điều chỉnh này, song không gây sức ép tăng giá thành sản phẩm. Còn ông Phạm Xuân Hồng nhận xét so với việc tăng giá xăng dầu, giá điện, việc tăng thêm quỹ bảo hiểm không ảnh hưởng lớn đến hoạt động của công ty.
Theo kết quả điều tra về tiền lương, thu nhập của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, lương bình quân của lao động trực tiếp sản xuất tại doanh nghiệp ngoài nhà nước vào giữa năm 2005 đã là 1,1 triệu đồng, doanh nghiệp nhà nước là 1,4 triệu đồng. So với mức lương tối thiểu 450.000 đồng thì mức lương này cao hơn nhiều.
Trái với phản ứng thờ ơ của lao động thì những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước tỏ ra phấn chấn. Chị Nguyễn Thị Thủy, giáo viên một trường THPT ở Hà Nội, tính toán với mức lương mới này, một người mới được ký hợp đồng như chị sẽ được lĩnh 1.053.000 đồng, cao hơn 234.000 đồng so với hiện nay. “Khoản tăng này cũng đủ cho chi phí xăng xe đi dạy”, chị nói. Còn bà Nguyễn Thị Độ, công nhân nông nghiệp về hưu, tỏ ra vui vẻ khi mức tăng mới cũng giúp bà tăng khoảng 50.000 đồng, thành tổng lương 730.000 đồng.
Tuy nhiên, chị Thủy và bà Độ vẫn canh cánh nỗi lo giá cả gia tăng sau đợt tăng lương. “Tăng lương được 50.000 đồng, vui đấy, nhưng lo đấy. Giá cả sinh hoạt đang tăng. Đơn cử mớ rau muống trước đây chỉ 500 nay đã là 1.000 đồng, và không biết còn tăng đến bao giờ”, bà Độ lo lắng. Còn chị Thủy, tay hòm chìa khóa của cả gia đình gồm vợ chồng và 2 con nhỏ, thì phải đau đầu tính toán chi ly từng khoản từ gas, điện, nước, lương thực, thực phẩm, làm sao không vượt quá tổng thu nhập 4 triệu đồng của hai vợ chồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Trí Long, Viện phó Viện nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả, cho biết, lo lắng tăng giá của người dân là hoàn toàn có cơ sở. “Lương tăng thì lượng tiền đổ vào mua sắm sẽ tăng. Nhu cầu mua sắm nhiều hơn khiến cán cân cung - cầu thay đổi, giá cả tất yếu biến động”, ông Long phân tích. Một yếu tố nữa khiến giá cả tăng theo ông Long đó là tâm lý người kinh doanh. Thực tế, từ trước đến nay, mỗi đợt tăng lương giá cả đều tăng.
“Mức tăng giá của đợt điều chỉnh lương lần này như thế nào thì còn phụ thuộc vào sự quản lý điều hành của nhà nước, vào quan hệ tiền - hàng. Mặt hàng chịu sự tác động sớm nhất của các đợt tăng giá là lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu”, ông Long nói.
Theo Hồng Khánh
Vnexpress