Tăng lương càng sớm càng tốt, tránh lương tăng một đồng giá tăng hai đồng
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt; kiềm chế lạm phát, kiềm giá, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, lương tăng một đồng, giá tăng hai đồng.
Kiến nghị tăng lương ngay từ 1/1/2023
Thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội sáng 27/10, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cho biết, ngay sau khi Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và người lao động, đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và công luận.
Lần tăng lương cơ sở này là nỗ lực lớn lao của Chính phủ, bởi để tăng khoảng 20,8% mức lương cơ sở thì khoản chi mà Chính phủ phải cân đối đã lên tới 44.000 tỷ đồng.
"Vừa tạm yên đại dịch, việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở là thấu tình, đạt lý và đây là điều rất đáng trân trọng. Tuy nhiên để niềm vui của người làm công ăn lương trọn vẹn hơn, bù trượt giá trầm trọng của đồng lương eo hẹp bấy lâu nay, tôi đề xuất tăng lương cơ sở trước dự kiến 6 tháng, thực hiện ngay từ 1/1/2023. Chắc chắn rằng đây là món quà vô cùng ý nghĩa với người làm công ăn lương 3 năm qua đã phải gồng mình chống chọi, nguồn sống bị đại dịch bào mòn"- đại biểu nêu quan điểm.
Vị đại biểu tỉnh Bạc Liêu cũng đặt vấn đề: Lương cơ sở tăng có giữ chân được công chức, viên chức trong khu vực công hay không? Nhiều ý kiến cho rằng lương tăng là tín hiệu đáng mừng nhưng không phải là giải pháp dài hơi mà cần sớm thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương. Vì thế, nếu năm 2023 phát triển kinh tế - xã hội tốt và tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định bền vững không bị tác động bởi các yếu tố khách quan như 3 năm vừa qua thì có thể triển khai chính sách cải cách tiền lương. Đây là thông tin mà cử tri đang đặc biệt quan tâm.
"Mức lương cơ sở tăng như phương án Chính phủ vừa đề xuất với Quốc hội là rất quý ở thời điểm hiện tại nhưng về thực chất chưa đủ để xóa bỏ chênh lệch giữa lương khu vực công và lương khu vực tư, giữa lương khu vực nhà nước và lương ngoài thị trường"- ông Thái nói.
Ông khẳng định điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương là một trong những giải pháp cơ bản cùng với những giải pháp căn cơ khác nữa để khắc phục tình trạng cán bộ công chức viên chức và người lao động từ khu vực công nghỉ việc và từ khu vực công chuyển sang khu vực tư.
Nghiên cứu về thời gian tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt
Chung quan điểm, đại biểu Quốc hội Thái Thu Xương (Hậu Giang) cho rằng do tình hình kinh tế, chính trị khu vực và thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, chuỗi cung ứng hàng hóa ở các thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá cả không ổn định,… đã tác động mạnh đến đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động, đặc biệt là các nhóm yếu thế, lao động nghèo...
Nhiều cán bộ, công chức, viên chức bỏ việc trong thời gian gần đây, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19, áp lực công việc quá cao, cường độ làm việc quá lớn. Nhiều cán bộ phải làm việc hơn 10 tiếng/ngày trong môi trường làm việc nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trong khi đó, viên chức ngành giáo dục phải thay đổi phương thức, cách thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến.
"Áp lực công việc quá lớn nhưng sự quan tâm đối với lực lượng lao động này chưa nhiều, chưa có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ tương xứng đối với công sức của họ bỏ ra"- bà Xương nhận định.
Lực lượng công nhân lao động nhập cư làm việc trong các khu, cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ học cho con do nhà ở xã hội chưa nhiều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của công nhân lao động. Sau dịch Covid -19, nhiều gia đình công nhân, lao động nhập cư muốn cho con quay trở lại cùng sinh sống để tiện bề giáo dục, nuôi dưỡng, gắn kết tình cảm gia đình, giữ gìn truyền thống nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển trường cho con…
Từ thực tế đó và nguyện vọng của cử tri, cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu Thái Thu Xương đề nghị phải nhanh chóng có giải pháp căn cơ trong việc giải bài toán thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực y tế và giáo dục để đảm bảo phục vụ cho nhân dân. Đồng thời nghiên cứu về thời gian tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt; kiềm chế lạm phát, kiềm giá, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, lương tăng một đồng, giá tăng hai đồng.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) dẫn ra thống kê từ năm 2020 đến tháng 6/2022 có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đề nghị phải quan tâm đúng mức đến thu nhập của họ bằng một cơ chế lương thích hợp và linh hoạt. Ngoài ra phải sớm cụ thể hóa đầy đủ và kịp thời Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Ông Tám cũng đề nghị sớm hoàn thiện hệ thống thi tuyển công chức, viên chức và cơ chế tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý. Xử lý hợp lý các vấn đề về tổ chức bộ máy và biên chế, cơ chế, chính sách trong môi trường làm việc, cống hiến, cơ hội thăng tiến công bằng, minh bạch.