1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tăng cường chia sẻ thông tin vận hành công trình sử dụng nước sông Mekong

Thế Kha

(Dân trí) - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước nói sẽ tăng cường hợp tác song phương, đa phương với các quốc gia ven sông Mekong trong chia sẻ thông tin về xây dựng, vận hành các công trình sử dụng nước.

Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 22/8, Thứ trưởng Lê Minh Ngân vừa chủ trì cuộc họp với các đơn vị trong lĩnh vực tài nguyên nước về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024.

Tại cuộc họp, ông Châu Trần Vĩnh - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước - cho biết 7 tháng đầu năm các đơn vị trong lĩnh vực đã hoàn thành khối lượng công việc lớn.

Tăng cường chia sẻ thông tin vận hành công trình sử dụng nước sông Mekong - 1

Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, báo cáo tại cuộc họp (Ảnh: Bộ TN-MT).

Trong đó đã quan trắc tài nguyên nước mặt, dưới đất, giám sát khai thác sử dụng trực tuyến với khoảng 850 công trình khai thác sử dụng nước, tìm kiếm nước cho vùng núi cao, khan hiếm nước, tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia…

Ở cấp Trung ương đã có quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước; Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia; 8/13 quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh gồm: Sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, sông Hồng - Thái Bình, Sê San, Srepok, Cửu Long, Đồng Nai, sông Hương, sông Mã.

5 quy hoạch lưu vực sông Ba, Cả, Trà Khúc, Vu Gia - Thu Bồn, sông Côn - Hà Thanh đang được xây dựng, hoàn thiện.

Ông Vĩnh khẳng định các đơn vị cũng đã tích cực đôn đốc, hướng dẫn thực hiện quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; kiểm kê tài nguyên nước; lập hành lang bảo vệ nguồn nước; ao hồ không san lấp; tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước và vận hành điều tiết các hồ chứa, liên hồ chứa...

Một trong những nhiệm vụ từ nay tới cuối năm, theo Cục trưởng Châu Trần Vĩnh, sẽ tổ chức triển khai 3 đề án, dự án quan trọng: Đề án đánh giá tổng thể tác động và giải pháp ứng phó đối với việc các nước phát triển thủy điện trên dòng chính, chuyển nước sông Mekong; Đề án điều tra, đánh giá và đề xuất phương án thí điểm phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm các sông Bắc Hưng Hải, Nhuệ - Đáy, Ngũ Huyện Khê; Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, các dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước.

Tăng cường chia sẻ thông tin vận hành công trình sử dụng nước sông Mekong - 2

Hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng trở thành vấn đề rất đáng lo ngại ở Đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh: Nguyễn Hành).

Ông Vĩnh nhấn mạnh sẽ tăng cường hợp tác song phương, đa phương với các quốc gia ven sông Mekong trong trao đổi, chia sẻ thông tin về quy hoạch, chiến lược phát triển lưu vực sông Mekong và chia sẻ thông tin về xây dựng, vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước.

Tổ chức thực hiện chương trình công tác của Ủy hội sông Mekong quốc tế năm 2024, tập trung vào thực hiện hiệu quả các quy chế, thủ tục sử dụng nước. Đồng thời thực hiện hiệu quả các Tuyên bố chung về các biện pháp giảm thiểu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong.

Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được trong lĩnh vực tài nguyên nước thời gian qua.

Ông đánh giá, các đơn vị tài nguyên nước đã phối hợp tổ chức tốt các công việc một cách bài bản, khoa học, có hiệu quả. Đặc biệt, kể từ khi Luật Tài nguyên nước 2023 được Quốc hội thông qua đã mở ra một "cách mạng mới" trong công tác quản lý tài nguyên nước.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, tài nguyên nước của Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào nguồn nước ngoại sinh, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhận định thời gian tới vấn đề an ninh nguồn nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Từ đó, Thứ trưởng Ngân yêu cầu tập trung đẩy mạnh hoàn thiện xây dựng và trình ban hành 5 quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông: Cả, Ba, Trà Khúc, Vu Gia - Thu Bồn, Kôn - Hà Thanh. Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia để nâng cao công tác quản lý trên cơ sở quản trị thông minh tài nguyên nước.

Đi liền với đó phải phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với các công trình khai thác sử dụng nước; tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước, cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành.