1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

TAND Tối cao lên tiếng việc bồi thường oan sai cho cụ ông 2 lần bị tuyên tử hình

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Sơn - Phó Chánh án TAND Tối cao - khẳng định, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ là cơ quan bồi thường oan sai cho cụ ông 80 tuổi Trần Văn Thêm (thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) từng 2 lần bị kết án tử hình và mới được liên ngành tư pháp Trung ương công khai xin lỗi.


Cụ ông 80 tuổi Trần Văn Thêm hơn nửa thế kỷ mang nỗi oan giết người (Ảnh: Bá Đoàn)

Cụ ông 80 tuổi Trần Văn Thêm hơn nửa thế kỷ mang nỗi oan giết người (Ảnh: Bá Đoàn)

Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn, việc bồi thường oan sai cho cụ Trần Văn Thêm (SN 1936) sẽ được tiến hành dựa trên đơn yêu cầu giải quyết bồi thường của gia đình cụ. Sau đó, TAND Cấp cao tại Hà Nội và gia đình cụ Thêm sẽ tiến hành trao đổi, tính toán và thỏa thuận để “chốt” về số tiền bồi thường.

“Khi gia đình cụ Thêm có đơn thì chắc chắn TAND Tối cao sẽ yêu cầu Toà cấp cao tại Hà Nội phải giải quyết sớm bởi vụ việc đã để quá lâu rồi. Phải khẩn trương giải quyết bồi thường cho người ta bởi cụ Thêm cũng đã quá già rồi"- ông Nguyễn Sơn nói.

Ông Nguyễn Sơn cho rằng thời điểm đình chỉ điều tra đối với cụ Trần Văn Thêm là mốc thời gian sẽ được sử dụng làm căn cứ tính toán mức tiền bồi thường. Việc bồi thường sẽ được xem xét ở hai giai đoạn là quãng thời gian cụ Thêm ngồi tù và thời gian ở bên ngoài nhưng phải mang nỗi oan sai khổ nhục

“Thời gian ở trong tù sẽ có khoản thu nhập thực tế bị mất, ở bên ngoài thì có thêm khoản bồi thường tổn thất về tinh thần. Việc bồi thường oan sai chắc chắn sẽ được thực hiện theo đúng các quy định của Luật Bồi thường nhà nước và phải tính toán cho đúng, phù hợp” - ông Nguyễn Sơn nói.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh tặng hoa cụ Thêm trong ngày xin lỗi công khai và công bố quyết định đình chỉ điều tra (Ảnh: Bá Đoàn)
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh tặng hoa cụ Thêm trong ngày xin lỗi công khai và công bố quyết định đình chỉ điều tra (Ảnh: Bá Đoàn)

Như Dân trí đã phản ánh, ngày 11/8, liên ngành Tư pháp trung ương đã tổ chức buổi công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi cụ ông Trần Văn Thêm, người đã 2 lần bị kết án tử, tại Trung tâm văn hóa huyện Yên Phong (thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh).

Theo nội dung vụ việc, năm 1970, cụ Trần Văn Thêm khi đó 34 tuổi cùng người em họ tên Nguyên Khắc Văn ghé vào ngủ ở lều cắt tóc. Nửa đêm, hung thủ xông vào dùng búa bổ củi đánh ông Văn tử vong. Cụ Thêm sau đó bị kết tội là hung thủ giết người.

Năm 1973, các cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phú (sau này tách ra thành Phú Thọ và Vĩnh Phúc) đưa ra xét xử và kết tội cụ Thêm mức án tử hình. Không đồng ý với bản án, cụ Thêm kêu oan. Đến năm 1974, TAND Tối cao xét xử phúc thẩm kết tội y án sơ thẩm mức án tử hình.

Năm 1975, sau khi đối tượng Phan Thanh Nhàn khai giết hại nạn nhân Nguyễn Khắc Văn, Ủy ban thẩm phán TAND Tối cao đã mở phiên toà theo thủ tục giám đốc thẩm tuyên hủy toàn bộ 2 bản án phúc thẩm, sơ thẩm và giao hồ sơ để cơ quan công an điều tra, xử lý lại theo quy định của pháp luật.

Sau khi được tạm tha, cụ Trần Văn Thêm đã có nhiều đơn kêu oan đến các cơ quan cao nhất của Đảng, Quốc hội, cơ quan tiến hành tố tụng.

Đến năm 2015, TAND Tối cao đã sao chụp và nhận được các tài liệu liên quan do cụ Thêm và luật sư trợ giúp cho cụ cung cấp. Từ đó, các cơ quan tố tụng Trung ương tiến hành xem xét, xác định cụ Trần Văn Thêm không thực hiện hành vi giết ông Nguyễn Khắc Văn năm 1970.

Đọc lời xin lỗi công khai đối với cụ Trần Văn Thêm, ông Trần Văn Tuân - Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội - khẳng định, mặc dù cụ Thêm không xuất trình được đầy đủ các giấy tờ, do hoàn cảnh khó khăn sau chiến tranh, chia tách tỉnh nên một số tài liệu không còn nhưng sau đó Bộ Công an đã tìm được một số tài liệu. Trên cơ sở đó liên ngành tố tụng đã họp ngày 13/4 và đến ngày 8/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kết luận có đủ căn cứ xác định bị can Thêm không thực hiện hành vi giết ông Văn nên đình chỉ điều tra.

Ông Tuân khẳng định, đây là lỗi của các cơ quan tố tụng trực tiếp điều tra, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm từ năm 1970.

“TAND Cấp cao tại Hà Nội, VKSND Cấp cao tại Hà Nội, Cơ quan CSĐT Bộ Công an, chúng tôi công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm và gia đình theo quy định. Chúng tôi xin chân thành xin lỗi ông và rút kinh nghiệm. Ngay sau ngày hôm nay, sẽ khẩn trương thực hiện Luật Bồi thường nhà nước, công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng và bồi thường theo quy định”- ông Tuân nói.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm