1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Bắc Ninh:

Án oan gần nửa thế kỷ của cụ ông 80 tuổi 2 lần bị kết án tử hình

(Dân trí) - Trong chuyến đi chợ định mệnh năm 1970, cụ Trần Văn Thêm khi đó 34 tuổi cùng người em họ tên Nguyên Khắc Văn ghé vào ngủ ở lều cắt tóc. Nửa đêm, hung thủ xông vào dùng búa bổ củi đánh ông Văn tử vong. Cụ Thêm sau đó bị kết tội là hung thủ giết người và kéo dài nỗi hàm oan suốt gần nửa thế kỷ…

Em bị giết, anh 2 lần bị kết án tử

Giữa trưa hè oi ả, phóng viên Dân trí đã tìm về nhà cụ Trần Văn Thêm (sinh năm 1936, ở thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Trò chuyện với phóng viên trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, cụ Thêm cho biết: “Mặc dù giờ tôi tuổi đã cao, tóc bạc trắng, răng đã rụng gần hết, bệnh tật khắp người, về với tiên tổ lúc nào không biết, nhưng nỗi oan sai khổ nhục là tù nhân giết em cướp của không được gột rửa, minh oan thì tôi chết cũng không nhắm mắt được”.


Cụ Trần Văn Thêm chia sẻ về nỗi hàm oan suốt gần nửa thế kỷ qua.

Cụ Trần Văn Thêm chia sẻ về nỗi hàm oan suốt gần nửa thế kỷ qua.

Vụ án xảy ra cách đây gần nửa thế kỷ nhưng đến lúc này cụ Thêm vẫn nhớ như in. Bàn tay run rẩy, đôi mắt mờ nhìn xa xăm, cụ Thêm kể lại: Tháng 3/1970, vì cuộc sống mưu sinh để nuôi 5 người con, đứa lớn mới 11 tuổi, đứa bé nhất mới 3 tuổi, cụ Thêm cùng người em con cô ruột tên là Nguyễn Khắc Văn đi xe đạp lên Vĩnh Phúc để bán thuốc lào và mua trám mang về chợ quê bán.

Đêm 24/7/1970, hai anh em ghé vào ngủ ở lều cắt tóc lụp xụp cạnh Cầu Diện, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú (nay tách ra thành tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ). Nửa đêm, một tên cướp tấn công, đánh cụ Thêm bị thương, khi ông Văn choàng dậy cũng bị cướp đánh luôn vào đầu. Hai anh em cụ Thêm chống cự lại và kêu cứu thì tên cướp bỏ chạy.

“Khi dân làng đến cứu thì tôi đang bị thương, trên tay đang cầm chiếc cọc xe thồ dính máu, còn ông Văn bị thương nặng nằm tại chỗ, được đưa đi Bệnh viện cấp cứu, sau đó tử vong. Căn cứ vào tài sản không bị mất, cướp không thấy, chỉ thấy lúc đó trên tay tôi đang cầm cọc thồ dính máu nên cơ quan tố tụng ép cung buộc tội tôi là hung thủ” – cụ Thêm nói.

Năm 1973, các cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phú đưa ra xét xử và kết tội cụ Thêm mức án tử hình. Không đồng ý với bản án, cụ Thêm kêu oan. Đến năm 1974, Tòa án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm kết tội y án sơ thẩm mức án tử hình.

Ngôi nhà của cụ Thêm đang ở
Ngôi nhà của cụ Thêm đang ở

Được trả tự do vì có vết thương trên đầu…

Theo giấy xác nhận năm 2007 của ông Cù Văn Tiện (nguyên Phó phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Vĩnh phú), năm 1974, ông Tiện bắt đầu thụ lý vụ án giết người được xác định thủ phạm là Trần Văn Thêm. Theo ông Tiện, qua quá trình điều tra, căn cứ vào hiện trường xảy ra vụ án, các dấu vết để lại trên hộp sọ của Nguyễn Khắc Văn và trên đầu Trần Văn Thêm cho thấy không đủ chứng cứ, có nhiều điểm mâu thuẫn.

Cùng lúc đó, Trại giam Phố Lu tỉnh Lào Cai cung cấp cho Công an tỉnh Vĩnh Phúc nguồn tin, đối tượng Phan Thanh Nhàn (17 tuổi, trú tại thôn Phần Thạc xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú) đang tập trung cải tạo tại trại là người đã gây ra vụ án giết người tại Cầu Điện, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương.

Ngay lập tức, ông Tiện cùng hai cán bộ phòng cảnh sát hình sự lên trại Phố Lu lấy lời khai. Qua lời khai của đối tượng Nhàn, đối chiếu với hiện trường xảy ra vụ án, tổ chức thực nghiệm lại hiện trường với hung khí là búa bổ củi mà Nhàn dùng để đánh chết Nguyễn Khắc Văn và bị thương Trần Văn Thêm, xét thấy Phan Thanh Nhàn là thủ phạm chính trong vụ án, còn Trần Văn Thêm bị bắt xử án tử hình là oan sai.

Năm 1975, sau khi đối tượng Phan Thanh Nhàn khai giết hại nạn nhân Nguyễn Khắc Văn, Ủy ban thẩm phán Tòa án tối cao đã mở phiên toà theo thủ tục giám đốc thẩm tuyên hủy toàn bộ 2 bản án phúc thẩm, sơ thẩm và giao hồ sơ để cơ quan công an điều tra, xử lý lại theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở quyết định của giám đốc thẩm, cơ quan công an đã tạm tha cho ông Trần Văn Thêm, với giải thích là do có vết thương trên đầu nên Bộ công an cấp cho một giấy miễn lao động nặng. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, việc điều tra lại vẫn chưa được thực hiện, về mặt pháp lý vẫn chưa có quyết định đình chỉ hoặc tiếp tục truy tố đối với ông Trần Văn Thêm. Gần nửa thế kỷ qua, cụ Thêm sống với nỗi oan sai khổ nhục, là tù nhân giết em để cướp của.

Sau khi được tạm tha, ông Trần Văn Thêm đã có nhiều đơn kêu oan đến các cơ quan cao nhất của Đảng, Quốc hội, cơ quan tiến hành tố tụng. Đến năm 2015, Tòa án nhân dân tối cao đã sao lục được các bản án phúc thẩm, sơ thẩm và các tài liệu liên quan, hiện các cơ quan tố tụng Trung ương đang tiến hành xem xét để có quyết định cuối cùng cho ông Trần Văn Thêm trong thời gian sớm nhất.

Trong một diễn biến khác, sáng 6/8, ông Bùi Ngọc Hòa, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã đến thăm hỏi, động viên cụ Thêm và tìm hiểu thêm một số chứng cứ, tài liệu để trên cơ sở đó chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương, quyết liệt xác minh, làm rõ các nội dung trong đơn của ông Thêm theo trình tự pháp luật trong thời gian nhanh nhất.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao khẳng định, Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử thực hiện quyền tư pháp, thể hiện công lý, niềm tin và chỗ dựa vững chắc cho nhân dân. Vì vậy, Tòa án nhân dân các cấp không được để xảy ra các trường hợp oan sai, dù những trường hợp đã xét xử cách đây lâu năm nhưng có dấu hiệu oan sai vẫn phải kiên quyết khắc phục, minh oan cho người dân

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin diễn biến vụ việc.

Bá Đoàn