1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tan giấc mơ... vàng

(Dân trí) - Không có trình độ, không chịu được kỷ luật lao động, không chịu học nghề, không có cơ hội việc làm tại địa phương nên một bộ phận không nhỏ lao động ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã rời quê hương kiếm sống. Và các bãi vàng ở Quảng Nam là đích đến của họ dẫu rằng có thể đổi bằng chính mạng sống của mình.

Không có trình độ phải chấp nhận rủi ro…

Ông Ốc Văn Phương – Bí thư Chi bộ bản Xao Va (xã Bảo Thắng, Kỳ Sơn, Nghệ An), nơi vừa có 3 lao động tử vong ở bãi vàng Quảng Nam, nhẩm tính, hiện bản có hơn 40 lao động đi làm ăn xa, nghi là vào các bãi vàng ở miền Trung. Còn thống kê của UBND xã Bảo Thắng cho thấy toàn xã có gần 90 lao động rời khỏi địa phương. Đây chỉ là con số mà xã nắm được, còn cụ thể là bao nhiêu người thì không rõ vì “họ đi chui, không báo cáo với địa phương”.

Hầu hết người Khơ - Mú tại Kỳ Sơn sinh sống ở các bản làng xa xôi, hẻo lánh, đời sống cực kỳ khó khăn.
Hầu hết người Khơ - Mú tại Kỳ Sơn sinh sống ở các bản làng xa xôi, hẻo lánh, đời sống cực kỳ khó khăn.

Trong khi đó, số liệu mà UBND huyện Kỳ Sơn cung cấp thì hiện tại huyện này có khoảng 370 lao động đang làm việc tại các bãi vàng ở Quảng Nam, tập trung ở các xã có đông đồng bào Khơ – Mú sinh sống như Bảo Thắng, Bắc Lý, Chiêu Lưu, Phà Đánh…

Cũng giống như bản Xao Va, phần lớn đồng bào Khơ – Mú sinh sống ở các bản làng xa xôi, hẻo lánh. Người dân ở đây chỉ có nguồn thu nhập chính duy nhất là phát rẫy trồng ngô, lúa hay săn bắt các loại thú nhỏ, đánh cá ở các con suối, không có thu nhập trong khi đó hầu hết các gia đình người Khơ – Mú đều sinh nhiều con nên tình trạng thiếu ăn diễn ra hàng năm.

Các đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) chưa phát huy được kết quả như kỳ vọng.
Các đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) chưa phát huy được kết quả như kỳ vọng.

“Từ tháng 4 trở đi là mùa phát rẫy, tháng 12 thu hoạch xong. Thu hoạch xong rẫy thì người dân cũng không có việc chi để làm, để có thu nhập nên phải đi kiếm việc làm. Không có trình độ, lại không thích gò bó trong khuôn khổ của các nhà máy, xí nghiệp, thích đi vài ngày hoặc vài tháng là về nên họ vào các bãi vàng làm thuê thôi”, ông Ốc Văn Phương giải thích.

Hiện tại ở Kỳ Sơn chưa có cơ sở hay doanh nghiệp nào có nhu cầu tuyển dụng một lượng lớn lao động nên người dân buộc phải rời quê đi tìm kiếm cơ hội từ các nơi khác. Các công việc mà họ lựa chọn không đòi hỏi phải có trình độ, kỷ luật, quản lý theo khuôn khổ mà chỉ cần sức khỏe. Đổi lại, người lao động phải đối mặt với nguy hiểm, không được bảo hộ, khi xảy ra rủi ro phải tự chịu…

Đói nghèo và lạc hậu là cái vòng luẩn quẩn không có lối thoát...
Đói nghèo và lạc hậu là cái vòng luẩn quẩn không có lối thoát...

Lý giải cho tình trạng này, bà Vi Thị Quyên – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Bên cạnh trình độ không đáp ứng được thì phần lớn lao động không thích bó buộc trong khuôn khổ các nhà máy, xí nghiệp. Họ thích đi làm công việc tự do, công việc tay chân hoặc vào các bãi vàng. Có người bị lừa đưa đi, có người tự đi, có người biết bị lừa nhưng vẫn chấp nhận bởi vào các bãi vàng thì ít nhất họ còn có cái để ăn, có một ít tiền tích lũy gửi về cho gia đình”.

Dân không có việc làm, lớp dạy nghề không tuyển được học viên

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm hiện nay là một bài toán chưa có lời giải, đặc biệt là vùng miền núi, nơi trình độ dân trí, đời sống của người dân còn rất khó khăn. Kỳ Sơn không phải là ngoại lệ. Hàng năm, Trung tâm giới thiệu việc làm huyện Kỳ Sơn và 1 số doanh nghiệp vào tận các bản để tuyển học viên hay lao động nhưng hầu như phải thất vọng quay trở về.

Ông Vi Văn Oanh – Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Sơn cho biết: “Mỗi năm tỉnh cho huyện Kỳ Sơn mở 3 lớp đào tạo nghề như sửa xe máy, may công nghiệp – dân dụng, mây tre đan và dệt thổ cẩm, mỗi lớp từ 25-30 học viên. Các học viên dân tộc thiểu số sẽ được miễn phí hoàn toàn các khoản đóng góp, chi phí ăn ở trong thời gian học nhưng có khi chẳng tuyển đủ lớp để triển khai. Năm nay huyện mới chỉ mở được duy nhất một lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm ở xã Keng Đu”.

Theo ông Vi Văn Oanh, sở dĩ các lớp đào tạo nghề ở Kỳ Sơn không thu hút được học viên là do thời gian đào tạo quá ngắn, trong khi đó trình độ học vấn của phần lớn các học viên còn hạn chế. Theo quy định, thời gian cho mỗi lớp học nghề chỉ kéo dài 3 tháng. Từng đó thời gian không đủ để học viên trang bị được kiến thức, làm chủ được kỹ thuật để có thể áp dụng vào thực tiễn.

Cán bộ xã Bảo Thắng băng rừng vào tuyên truyền, vận động đồng bào Khơ - Mú không đi làm việc ở các bãi vàng trái phép.
Cán bộ xã Bảo Thắng băng rừng vào tuyên truyền, vận động đồng bào Khơ - Mú không đi làm việc ở các bãi vàng trái phép.

Từ chỗ học nhưng không làm việc được hoặc không đủ bản lĩnh tự mình mở các cơ sở để phát triển kinh tế, dần dà học viên nảy sinh tâm lý chán nản. Một thực tế là đối với đồng bào miền núi, nếu không có nhiều mô hình đào tạo nghề, phát triển kinh tế thành công thì bà con sẽ không tin và làm theo.

Vừa qua một công ty khai thác than có về địa bàn huyện Kỳ Sơn để tuyển dụng lao động. Các lao động sẽ được đào tạo 6 tháng trước khi được ký hợp đồng chính thức, trong thời gian đào tạo nghề sẽ được miễn phí hoàn toàn chi phí ăn ở, sinh hoạt.

“Tuyển cả huyện cũng chỉ được 11 người đồng ý nhưng cuối cùng chỉ có 7 người ra công ty học. Vừa rồi có 2 người bỏ cuộc, giờ chỉ còn 5 người. Họ bảo đi làm than độc nên không đồng ý nhưng nhiều lao động lại chọn cách đi làm trong các bãi vàng trái phép, nguy cơ mất an toàn sức khỏe, tính mạng cao…”, một cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Sơn nói.

Ông Phạm Văn Hòa – Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thắng tâm sự: “Mỗi năm xã cũng cử các đoàn cán bộ vào tận các bản để vận động người dân tham gia các lớp học nghề hay đăng ký làm việc trong các doanh nghiệp có sự quản lý của Nhà nước nhưng gần như không có kết quả khả quan. Chúng tôi cũng giải thích cặn kẽ cho họ hiểu những rủi ro có thể gặp phải nếu đi vào các bãi vàng để làm việc nhưng họ vẫn cứ đi và đi lúc chính quyền cũng không thể nắm được vì họ không khai báo tạm vắng với xã”.

Các lớp đào tạo nghề không tuyển đủ học viên; Người dân theo học các lớp học nghề lại không tìm được việc làm hay không đủ năng lực tự mở các sở sản xuất phát triển kinh tế. Bởi vậy thay vì lựa chọn cơ hội nghề nghiệp ở các công ty, doanh nghiệp được Nhà nước bảo hộ nhiều lao động lại chấp nhận rủi ro trong các bãi vàng trái phép để rồi phải mất mạng hoặc bị đánh đập, quỵt tiền công… Cái vòng luẩn quẩn này ở huyện miền núi Kỳ Sơn xem ra vẫn chưa có lời giải.

Hoàng Lam