Tận dụng thân chuối bỏ đi thành sợi dệt vải, nông dân kiếm bộn tiền
(Dân trí) - Phần thân chuối thường bị bỏ đi sẽ được làm thành sợi rồi dùng để dệt các sản phẩm có giá trị.
Sau khi thu hoạch nải chuối, phần thân cây thường bị bỏ đi. So với nhiều cây khác, trồng chuối khá lãng phí vì chỉ có 12% bộ phận của cây được tận dụng, còn lại bị vứt ra bãi rác.
Hiện nay, một công ty khởi nghiệp là TEXFAD ở Uganda có thể tạo ra sản phẩm có giá trị từ phần thân của loại cây này.
Kimani Muturi tới Uganda năm 2000, làm giảng viên ở Học viện Giáo dục Sư phạm ở Kampala. Người đàn ông này thành lập công ty TEXFAD hồi năm 2012 mang đến nhiều cơ hội việc làm cho các nam nữ thanh niên và phụ nữ trong hơn 8 năm hoạt động.
Kimani Muturi đã biến các phần bỏ đi của cây chuối thành các sản phẩm dệt thủ công như thảm, vải, và cả tóc nối. Để lấy sợi đưa vào dệt, người thợ sẽ cắt thân chuối thành từng khúc rồi đem phơi nắng. Tiếp đó, các khối được đưa qua một máy để róc thành sợi nhỏ và được phơi khô một lần nữa cho đến khi chúng có đủ tiêu chuẩn để dệt.
Sau các quá trình đó, sợi khô còn được nhuộm màu và dùng để dệt thảm. "Tôi không bao giờ lo ngày mai không có nguyên liệu vì chúng tôi ăn chuối hằng ngày", ông Kimani Muturi cho hay.
Tính đến tháng 2/2021, công ty có 23 nhân viên chính thức và có chương trình thực tập cho sinh viên các trường đại học. Năm 2020, công ty kiếm được 41.000 USD.
Riêng sản phẩm dùng làm tóc nối chế từ loại sợi này còn có khả năng phân hủy sinh học. Sau khi sử dụng, chị em có thể chôn chúng xuống đất và sẽ phân hủy thành phân bón cho rau.
Từ thành công đã làm được, Muturi đang tìm cách làm mềm sợi chuối để may thành quần áo. Cuối năm 2021, công ty dự kiến sản xuất được 2400 tấm thảm và xuất khẩu sang thị trường Anh, Mỹ.
Trước khi thành lập công ty TEXFAD, ông Muturi còn điều hành Afribanana Products Ltd, một vườn ươm kinh doanh nông nghiệp phi lợi nhuận hàng đầu ở Uganda.