Tận dụng cơ hội, biến Romania thành cửa ngõ vào châu Âu của Việt Nam
(Dân trí) - "Hai bên cần tận dụng cơ hội thúc đẩy hợp tác thương mại, biến Rumani thành cửa ngõ vào châu Âu của Việt Nam ", Thủ tướng Ion Marcel Ciolacu nói trong hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Người đứng đầu Chính phủ hai nước Việt Nam - Romania hội đàm sáng 22/1 (giờ địa phương), sau Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Romania.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự đón tiếp thân tình, trọng thị và chu đáo Romania dành cho đoàn Việt Nam.
Ông cũng nhấn mạnh Việt Nam không bao giờ quên sự ủng hộ quý báu của Romania trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước trong suốt 75 năm qua, nhất là việc đã giúp Việt Nam đào tạo hơn 4.000 sinh viên, nghiên cứu sinh - những người đã đóng góp rất tốt cho Việt Nam và quan hệ hai nước ở nhiều vị trí khác nhau.
Trong cuộc hội đàm, người đứng đầu Chính phủ hai nước đã trao đổi về các định hướng lớn và biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hợp tác hữu nghị truyền thống hai nước lên tầm cao mới.
Về hợp tác chính trị - ngoại giao, hai bên nhất trí tăng cường tiếp xúc và trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, giao lưu nhân dân, hợp tác giữa các địa phương.
Định hướng này nhằm tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau, làm nền tảng để thúc đẩy và mở rộng hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực.
Về hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, hai Thủ tướng khẳng định đây là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương nên cần đẩy mạnh quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư xứng tầm với quan hệ chính trị.
Bên cạnh đó, hai nước cần phát huy các cơ chế hợp tác sẵn có, khuyến khích doanh nghiệp hai nước tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng đóng vai trò cửa ngõ để các mặt hàng của Romania tiếp cận thị trường Việt Nam và ASEAN.
Một lần nữa, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cảm ơn Romania đã thúc đẩy mạnh mẽ việc ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và cũng là một trong những quốc gia đầu tiên trong EU phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
Trên tinh thần này, Thủ tướng đề nghị Romania tiếp tục có tiếng nói thúc đẩy các nước EU còn lại sớm phê chuẩn EVIPA và Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam.
Thủ tướng Ion Marcel Ciolacu đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng nhất của Romania tại Châu Á - Thái Bình Dương. Ông cho biết ngày càng có nhiều doanh nghiệp Romania quan tâm mở rộng đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.
Thủ tướng Romania cho rằng hai bên cần tận dụng cơ hội thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại, logistics, du lịch và biến Romania trở thành cửa ngõ vào châu Âu của Việt Nam, trong bối cảnh nước này sắp gia nhập khu vực Schengen vào tháng 3.
Hai Thủ tướng cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực truyền thống như giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, an ninh - quốc phòng, văn hóa - thể thao - du lịch, lao động, y tế - dược phẩm; đồng thời thúc đẩy mở rộng hợp tác trên lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn…
Trao đổi về các vấn đề quốc tế, hai nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp luật pháp quốc tế.
Việt Nam - Romania ký Bản ghi nhớ về hợp tác lao động
Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến Lễ ký kết 19 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, lao động và giáo dục đào tạo.
Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký Bản ghi nhớ với Bộ Lao động và Đoàn kết xã hội Romania về hợp tác trong lĩnh vực lao động, an sinh xã hội.
Bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy và phát triển các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực lao động và an sinh xã hội.
Một số lĩnh vực hợp tác được hai bên thống nhất gồm: Chính sách, pháp luật về lao động; các hoạt động liên quan đến chính sách việc làm tích cực cho các nhóm yếu thế trong thị trường lao động; bảo trợ và trợ giúp xã hội cho các đối tượng dễ bị tổn thương; chính sách hòa nhập cho người khuyết tật, đảm bảo môi trường cho người khuyết tật được tiếp cận không hạn chế với cuộc sống độc lập.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động hai nước Việt Nam - Romania cũng định hướng hợp tác về chính sách lao động di cư, hướng tới nâng cao tay nghề cho người lao động và giảm thiểu tình trạng lao động bất hợp pháp.
Hoài Thu (Từ Bucharest, Romania)