1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhậm chức

(Dân trí) - Chiều nay, ông Nguyễn Phú Trọng đã chính thức đắc cử vào vị trí Chủ tịch Quốc hội với 84,58% số phiếu tán thành. Ngay sau đó, thay mặt Uỷ ban thường vụ Quốc hội, tân Chủ tịch Quốc hội đã giới thiệu ông Nguyễn Minh Triết vào vị trí Chủ tịch nước.

Trong bài phát biểu nhậm chức, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tôi ý thức được rằng, QH và hoạt động QH có vai trò cực kỳ quan trọng, nhất là trong việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của dân, do dân, vì dân… Trước yêu cầu mới của thực tiễn cuộc sống, và theo tư tưởng chỉ đạo của Đại hội Đảng X, chúng ta còn nhiều việc phải làm, nhiệm vụ còn rất nặng nề”.

 

Tân Chủ tịch cũng khẳng định sẽ cố gắng hết sức khắc phục khó khăn, góp phần cùng các vị đại biểu QH và các cơ quan của QH tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động cả trên lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, để QH ngày càng xứng đáng là cơ quan quyền lực cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn mới.

 

Ngay sau khi trúng cử, tân Chủ tịch Quốc hội tổ chức họp báo tại Trung tâm báo chí của QH.

 

Trước đó, trong phần trình bày tổng hợp ý kiến thảo luận của các đoàn về nhân sự cho vị trí Chủ tịch QH, ông Bùi Ngọc Thanh, Chủ nhiệm văn phòng QH cho biết, đã có 57 đoàn với 93,42% đại biểu nhất trí giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng vào vị trí này. 

 

Ngoài ra, có một số ý kiến băn khoăn việc ông Nguyễn Phú Trọng hoạt động QH chưa nhiều, thành tích còn ít, chưa thể hiện được mình (chưa phát biểu lần nào tại QH)…

 

Về một số ý kiến cho rằng, không nên chỉ giới thiệu một người, Phó chủ tịch QH Trương Quang Được cũng thông báo không có đại biểu nào ứng cử và được đề cử cho chức vụ Chủ tịch QH.

 

Trong phần báo cáo tóm tắt về bản thân, ông Nguyễn Phú Trọng tự nhận mình chủ yếu làm về  lý luận, kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều (một năm rưỡi làm Phó bí thư thành uỷ, hơn 6 năm làm Bí thư thành uỷ Hà Nội), hiểu biết về pháp luật cụ thể chưa sâu, chưa đóng góp được nhiều cho QH… Tuy nhiên, "tôi đã học tập được nhiều qua các ý kiến của ĐBQH”, tân Chủ tịch khẳng định. 

 

Thay mặt UBTVQH, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đã đọc tờ trình giới thiệu ông Nguyễn Minh Triết vào vị trí Chủ tịch nước thay ông Trần Đức Lương vừa được QH đồng ý miễn nhiệm vào sáng nay.

 

 

Tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhậm chức - 1

Ông Nguyễn Minh Triết
(Ảnh: SGGP)

 

 

Ông Nguyễn Minh Triết hiện là ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy TPHCM, đại biểu QH khóa XI. Ông Nguyễn Minh Triết sinh ngày 8/10/1942 tại Phú An, Bến Cát, tỉnh Bình Dương; trình độ học vấn: Đại học Toán.

 

Cuối giờ chiều nay, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại đoàn và cho ý kiến về vị trí Chủ tịch nước. Việc bỏ phiếu bầu chức danh này sẽ được tiến hành trong sáng 27/6.

 

Theo đúng trình tự, Chủ tịch nước mới sẽ giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ. Buổi chiều, sau khi có kết quả bầu Thủ tướng, Thủ tướng mới sẽ trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị về việc miễn nhiệm một số thành viên Chính phủ.

 

Tiểu sử ông Nguyễn Phú Trọng

 

Ngày sinh: 14/04/1944
Ngày vào Đảng: 19/12/1967. Chính thức 19/12/1968
Quê quán: Xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Trình độ học vấn: Đại học ngữ văn. Giáo sư, Tiến sĩ (chính trị học).
Lý luận chính trị: Cao cấp
Chức vụ hiện nay: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Nơi ở hiện nay: Số 5 phố Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Quá trình công tác:

1963 - 1967: Học khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội
12/1967 - 8/1973: Cán bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, năm 1971 đi thực tế ở Thanh Oai, Hà Tây.
9/1973 - 4/1976: Nghiên cứu sinh khoa Kinh tế Chính trị tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Chi ủy viên.
5/1976 - 8/1981: Cán bộ biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó Bí thư Chi bộ
9/1981 - 8/1983: Thực tập sinh, tốt nghiệp Phó Tiến sĩ khoa học lịch sử, chuyên ngành xây dựng Đảng tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô.
8/1983 - 8/1987: Phó Ban xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản
9/1987 - 2/1989: Trưởng Ban xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản
7/1985 - 12/1991: Phó Bí thư rồi Bí thư Đảng ủy cơ quan Tạp chí Cộng sản
3/1989 - 4/1990: Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản
5/1990 - 7/1991: Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
8/1991 - 8/1996: Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
1/1994 đến nay: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, VIII, IX và X
8/1996 - 2/1998: Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, kiêm Trưởng ban Cán sự Đại học Thành ủy Hà Nội.
12/1997 - đến nay: Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, IX và X
2/1998 - 1/2000: Phụ trách công tác Tư tưởng Văn hóa và Khoa giáo của Đảng
3/1998 - 11/2001: Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương
8/1999 - 4/2001: Tham gia Thường trực Bộ Chính trị
1/2000 đến nay: Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XII, XIII và XIV
11/2001 đến nay: Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng.
5/2002 đến nay: Đại biểu Quốc hội khóa XI

(Nguồn: TTXVN)

 

Đức Hoà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm