Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức

Phương Thảo

(Dân trí) - Sáng 5/4/2021, Quốc hội nghe công bố kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch nước. Theo đó, Quốc hội đã thống nhất bầu ông Nguyễn Xuân Phúc giữ chức Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức - 1
Ông Nguyễn Xuân Phúc là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên được bầu làm Chủ tịch nước (ảnh: Tiến Tuấn).

Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bấm nút điện tử với tỷ lệ tán thành 100%. Nghị quyết có hiệu lực thi hành ngay sau khi được Quốc hội thông qua.

Nghị quyết do Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày thể hiện, căn cứ Hiến pháp, luật Tổ chức Quốc hội, nội quy Kỳ họp Quốc hội, căn cứ tờ trình số 852 ngày 2/4 của UB Thường vụ Quốc hội, căn cứ biên bản kiểm phiếu bầu Chủ tịch nước, Quốc hội quyết nghị, bầu ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, đại biểu Quốc hội khóa XIV làm Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.

Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức - 2

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bấm nút điện tử.

Theo quy định của Hiến pháp, Chủ tịch nước sau khi được Quốc hội bầu sẽ làm lễ tuyên thệ trước Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu đội nghi lễ vào vị trí để thực hiện lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Chủ tịch nước.

Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức

Các lãnh đạo Đảng, Tổ quốc, MTTQ Việt Nam, các đại biểu cùng đứng dậy chứng kiến lễ tuyên thệ của Chủ tịch nước. Ông Nguyễn Xuân Phúc bước lên lễ đài, trang nghiêm cúi chào trước cờ Tổ quốc rồi bước tới bục tuyên thệ.

Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức - 3
Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức - 4

Toàn cảnh lễ tuyên thệ của tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: Tiến Tuấn).

Chủ tịch nước tay phải giơ cao, tay trái đặt trên Hiến pháp tuyên thệ: "Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước, tôi, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, xin tuyên thệ, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, ra sức công tác để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".

Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức - 5

Ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu giữ chức Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021 (Ảnh: Quốc Chính).

Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức - 6
Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức - 7
Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức - 8

Tân Chủ tịch nước nhận lời chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Quốc Chính).

Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức - 9

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa chúc mừng tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: Quốc Chính).

Trước đó, chiều 2/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt UB Thường vụ Quốc hội trân trọng giới thiệu ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ chính trị khóa XIII, đại biểu Quốc hội khóa XIV, để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021.

Căn cứ để UB Thường vụ Quốc hội trình nhân sự bầu Chủ tịch nước, ngoài các quy định pháp luật còn có điểm 2 Nghị quyết hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (ngày 9/3/2021). Tại Nghị quyết này, Ban Chấp hành Trung ương thể hiện sự thống nhất cao với phương án nhân sự được Bộ Chính trị giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt như Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.

UB Thường vụ Quốc hội đánh giá, trong quá trình công tác, ông Nguyễn Xuân Phúc luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trước khi được trình giới thiệu để bầu Chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc đã được Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhưng Nghị quyết miễn nhiệm chỉ có hiệu lực khi Quốc hội bầu được Thủ tướng mới. Theo đó, ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ sau khi được miễn nhiệm 4 ngày.