An Giang:
Tâm sự của những người dân sống gần mỏ cát 2.811 tỷ đồng
(Dân trí) - Bà con sống gần mỏ cát vừa được một doanh nghiệp trả giá thầu 2.811 tỷ đồng đang thấp thỏm lo sạt lở. Dù doanh nghiệp có trả giá "khủng" đến đâu, với họ vẫn còn những chuyện khác đáng quan tâm hơn...
Từ TP Long Xuyên, PV Dân trí vượt sông Hậu sang địa bàn huyện Chợ Mới (An Giang). Đến đây, PV tiếp tục theo tỉnh lộ 944 và sang một lần đò mới đến xã cù lao Bình Phước Xuân để tận mục mỏ cát nghìn tỷ trên sông Tiền.
Lãnh đạo xã Bình Phước Xuân cho biết, toàn xã có khoảng 13.000 dân sống bằng nghề nông nhưng chủ yếu là bám vào cây xoài, vì toàn xã có trên 1.100ha đất trồng xoài, chỉ vài nghìn ha trồng hoa màu.
Xã Bình Phước Xuân nằm phần cuối của Cù Lao Giêng. Từ UBND xã chạy thẳng ra hướng sông Tiền là mỏ cát vừa được một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh trúng quyền khai thác với giá 2.811 tỷ đồng. Mỏ cát thuộc nửa bờ sông Tiền phía An Giang (nửa bờ sông Tiền còn lại là tỉnh Đồng Tháp), nằm gần trọn trong ấp Bình Phú.
Anh Trương Văn Toàn - ấp Bình Phú cho biết, anh đã sống tại bờ sông Tiền trên 40 năm. Cách đây khoảng 20 năm, bờ sông trước nhà anh nằm gần giữa sông Tiền. Nhưng theo thời gian, đất sạt lở ăn sâu vào bờ như hiện nay trên 100m.
Nói về mỏ cát có giá "khủng", anh Toàn cho biết, khoảng 5 năm trước đây có xáng cạp đến đây múc cát nhưng sau đó sang bờ Đồng Tháp khai thác. Hiện khu vực bờ sông phía An Giang (xã Bình Phước Xuân) được bồi đắp nhiều, có khi xà lan chạy bị mắc kẹt.
Nhiều người dân sống bên bờ sông Tiền cho rằng, việc khai thác cát là chủ trương của nhà nước, cần khai thác để có cát xây nhà xây đường. Tuy nhiên, quản lý thế nào để việc khai thác không ảnh hưởng người dân là điều dân sống cặp bờ sông Tiền mong muốn nhất.
Còn cụ Nguyễn Thị Hiền sinh ra và lớn lên cạnh bờ sông Tiền hơn 75 năm qua cho biết, cụ đã chứng kiến bao lần đất bờ sông sạt lở. Theo cụ, cách đây khoảng 4 năm, vì nằm trong khu vực sạt lở nguy hiểm, lãnh đạo địa phương vận động gia đình cụ và người dân sống cặp bờ sông di dời vào khu dân cư sinh sống.
Nhiều người đi nhưng gia đình cụ Hiền và mấy người con không đồng ý. Vì theo cụ Hiền, gia đình cụ sống ở đây không phải tốn tiền mua rau, mua cá… Cần đồ ăn là ra sông giăng lưới, mò cá cũng có cái để ăn, vào khu dân cư, khó sống.
Cụ Hiền nói: "Cũng nghe con cháu nói lại sắp có sà lan đến khai thác cát. Bà con ở đây lo lắng nhưng chưa thấy họp dân để lấy ý kiến. Nếu việc khai thác cát ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thì chúng tôi sẽ phản ứng, không đồng tình".
Con của cụ Hiền dẫn chúng tôi ra xem bờ sông đã từng có nhiều vụ sạt lở vào đất liền hàng chục mét. Theo anh, xáng cạp múc đất ngày đêm, bà con suốt ngày đầu tắt mặt tối với ruộng vườn, không ai giám sát thì việc khai thác quá độ sâu quy định và trữ lượng thì ai biết?
Người đàn ông này quả quyết: "Chính cách khai thác kiểu này là nguyên nhân dẫn đến làm sạt lở bờ sông. Còn làm đúng như cam kết hợp đồng thì người dân cũng chẳng ôm cây chuối bơi ra sông ngăn cản làm gì".
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phước Xuân, ông Mai Văn Nhựt Thanh cho biết, UBND xã có nhận được thông báo trúng quyền khai thác cát của Công ty TNHH T.S Home. Và khi công ty đủ điều kiện khai thác, xã sẽ thành lập tổ giám sát nhân dân để giám sát việc khai thác mỏ cát đúng quy định.
Sở TN-MT An Giang cho biết, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T.S Home có giấy phép khai cát trên sông Tiền theo kết quả đấu giá 26/3 thì công ty này phải nộp tiền và thực hiện nhiều thủ tục theo quy định. Nếu công ty này không chứng minh được năng lực tài chính thì mất quyền khai thác cát.
Ngoài ra, công ty T.S Home cũng như các tổ chức cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện được phép khai thác và kết nối với máy chủ đặt tại Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát hoạt động khai thác khoáng sản đối với cát sông.