1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Nghệ An

Tâm sự của chú rể rước dâu bằng xe đạp “cà tàng”

(Dân trí) - Chiếc xe đạp cũ rích, hỏng đủ bộ phận được chú rể “tân trang” trong vòng hơn 10 phút để trở thành chiếc xe đón dâu. Trên quãng đường hơn 1km về nhà, đôi vợ chồng trẻ và chiếc xe đạp đã trở thành tâm điểm chú ý của rất nhiều người dân.

Chiếc xe đón dâu xôn xao cộng đồng mạng mấy ngay nay (ảnh cắt từ clip).
Chiếc xe đón dâu xôn xao cộng đồng mạng mấy ngay nay (ảnh cắt từ clip).

5 ngày sau đám cưới, chúng tôi tìm về nhà chú rể Trần Đình Quang (SN 1993, trú xã Nam Anh, Nam Đàn, Nghệ An). Câu chuyện chàng trai này đón dâu bằng chiếc xe đạp “cà tàng” vẫn đang xôn xao làng trên xóm dưới. Xôn xao bởi lẽ, chiếc xe đón dâu cũ kỹ, hư hỏng đến mức đã có thể “đưa vào bảo tàng” lại được dùng làm xe rước dâu trong một đám cưới giữa thế kỷ 21 khiến người ta liên tưởng đến những đám cưới vào những năm 60-70 của thế kỷ trước.

Nhà Quang nghèo, mái nhà nhỏ xíu, xập xệ như có thể đổ ập xuống bất kỳ lúc nào. Phải chăng vì thế mà Quang phải đón cô dâu của mình bằng xe đạp? Đó là ý nghĩ đầu tiên khi chúng tôi bước vào nhà. Thế nhưng, khi nghe chàng trai 9X này bộc bạch về cuộc đón dâu “có 1 không 2” của mình, chúng tôi mới vỡ lẽ ra rằng, đằng sau chiếc xe đạp ấy là cả một triết lý sống của chàng trai trẻ.
 

Quyết định đón dâu bằng xe đạp của Quang khiến nhiều người dân trong xóm tò mò, chú ý.
Quyết định đón dâu bằng xe đạp của Quang khiến nhiều người dân trong xóm tò mò, chú ý.

Quang và cô dâu Nguyễn Thúy Tĩnh (SN 1996, quê Sơn Tây, Hà Nội) quen nhau tình cờ một cuộc điện thoại nhầm của người chị làm cùng Tĩnh cách đây hơn 2 năm. Ban đầu chỉ là những cuộc điện thoại tán gẫu cho vui bởi lúc đó, Quang cũng vừa tốt nghiệp cấp 3, phải xa gia đình vào Sài Gòn kiếm sống. Trong khi đó, cô bé Tĩnh, vì nhiều lý do nên quyết định nghỉ học khi đang lỡ dở lớp 10 để đi phụ bếp trong một quán cơm.

Cùng hoàn cảnh phải sống xa gia đình, hai người nói chuyện khá hợp. Thậm chí, trong suy nghĩ của Quang lúc bấy giờ thì Tĩnh chỉ như cô em gái của mình. “Ngày nào cũng thế, đúng 21h15 là em gọi điện hát bài “Chúc bé ngủ ngon” cho Tĩnh. Cứ thế cho đến khi nhận ra mình “cảm nặng” cô bé này rồi”, Quang cười. Tình cảm cứ lớn dần lên qua những cuộc điện thoại trong đêm.

Quyết định đón dâu bằng xe đạp của Quang khiến nhiều người dân trong xóm tò mò, chú ý.
Để yên tâm ngồi trên chiếc xe dâu có 1 không 2 này, cô dâu phải "diện" dép tổ ong thay vì giày cao gót.

Tết 2013, Quang từ Sài Gòn về Nghệ An và đề nghị ra Hà Nội gặp mặt Tĩnh. Từ chối mãi, cuối cùng Tĩnh cũng chịu đồng ý. Mùng 4 Tết, hai người mới có cuộc gặp mặt chính thức đầu tiên. Sau 1 năm tìm hiểu, hai đứa quyết định đi tới hôn nhân. Thấy cả 2 còn quá trẻ, bố mẹ Tĩnh đề nghị để vài năm nữa mới tính đến chuyện đại sự cho con gái. Dần dà, khi hiểu rõ hơn về chàng rể xứ Nghệ tuy nhỏ con nhưng hiền lành, chăm chỉ, chịu khó và tỏ ra là người đàn ông bản lĩnh, bố mẹ Tĩnh cũng đồng ý.

Ngày 3/1, gia đình Quang hành quân ra Thủ đô đón dâu. Để kịp giờ đẹp, 1h sáng ngày 4/4, đoàn rước dâu xuất phát về Nghệ An. Sau khi vào nhà thờ họ để làm lễ, Tĩnh được dẫn đi trang điểm, mặc váy cưới để bước vào lễ cưới chính. “Trang điểm gần xong thì em thấy Quang đạp xe đạp tới và thông báo sẽ rước dâu bằng chính chiếc xe đạp này. Em cứ nghĩ là Quang đùa thôi, vì đoạn đường về nhà dài hơn 1km, không đi được ô tô thì sẽ đi xe máy. Nhưng khi nhìn ra đường, thấy một đoàn xe đạp được trang trí bằng những chiếc bóng bay thì mới biết là mình được đón bằng xe đạp thật”, Tĩnh nhớ lại.

Vợ chồng Quang - Tĩnh vẫn không nhịn được cười mỗi khi xem lại clip rước dâu của mình.
Vợ chồng Quang - Tĩnh vẫn không nhịn được cười mỗi khi xem lại clip rước dâu của mình.

Ban đầu Tĩnh nhất định không chịu ngồi lên ga-ba-ga xe đạp, một phần sợ ngã vì vướng váy áo, giày cao gót, một phần vì ngại hàng trăm con mắt đang đổ dồn về mình. Tuy nhiên, trước sự thuyết phục của Quang, cô dâu mượn được một đôi dép tổ ong để thay giày cao gót và… leo lên xe trong tiếng hò reo của rất nhiều thanh niên và trẻ nhỏ.

Chú rể đạp xe chở cô dâu đi trước, đoàn xe đạp của bạn bè chú rể và đám trẻ con trong làng hộ tống sau. Sau phút ngỡ ngàng ban đầu, họ hàng cô dâu (phần nhiều là người lớn tuổi) vui vẻ “cuốc bộ” hơn 1km đi theo. “Có nằm mơ, em cũng không bao giờ dám nghĩ mình được đón về nhà chồng bằng xe đạp như thế này. Ngồi sau xe, vừa sợ ngã, vừa ngại…”.

Còn chú rể, chia sẻ về ý tưởng đón dâu bằng xe đạp, Quang cho biết: “Ý tưởng đón dâu bằng xe đạp cũng chỉ mới hình thành khi em ngồi trên ô tô rước dâu từ Hà Nội về. Với sự giúp đỡ của bạn bè, chỉ mất chừng 10 phút để trang trí xe dâu thôi. Em muốn một cái gì đó thật đặc biệt, thật vui, thật đáng nhớ về ngày trọng đại nhất của mình. Hơn nữa, chọn chiếc xe đạp cũ kỹ này để đón dâu, em muốn Tĩnh biết được rằng cuộc sống của hai đứa từ đây sẽ có rất nhiều khó khăn, vất vả và cả khổ cực nữa chứ không chỉ toàn màu hồng như lúc đám cưới. Phải biết khổ để biết cố gắng vươn lên trong cuộc sống”.

Chị Mai Thị Tuyết - một người hàng xóm của Quang - cho biết: “Nhìn 2 đứa nó chở nhau trên chiếc xe đạp cũ kỹ lại thấy nhớ những đám cưới ngày xưa. Giờ đám cưới, giàu hay nghèo người ta đều cố gắng thuê cái ô tô cho nó sang, còn thằng Quang lại rước dâu như ngày trước cha nó cưới vợ. Thấy lạ mà vui”.

Sau đám cưới độc đáo của mình, Quang lại tiếp tục công việc của một “ông chủ” lò rèn để lo cho gia đình nhỏ của mình và chờ đợi cơ hội tìm một công việc tốt hơn. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ chắc chắn sẽ có rất nhiều khó khăn, nhưng tôi tin, với triết lý đằng sau chiếc xe đạp cà tàng đón dâu, họ sẽ biết cố gắng để vượt qua khó khăn, trở ngại phía trước.

Hoàng Lam