Tạm bỏ quy định "xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM"

Hoài Thu

(Dân trí) - Thừa nhận đang rất lúng túng với quy định xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM do chưa rõ khái niệm, phạm vi và điều kiện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói sẽ tạm "gác" lại nội dung này.

Chiều 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Dự thảo Nghị quyết quy định giao Chính phủ trình Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, cạnh tranh quốc tế để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM, song nội dung này nhận nhiều góp ý "cần cân nhắc thận trọng".

Vấn đề rất lớn và rất khó

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng đây là định hướng đã được nêu trong nghị quyết của Đại hội Đảng XIII của Đảng, song nếu triển khai, nên có đề án riêng mà không đưa vào nghị quyết của Quốc hội.

Tạm bỏ quy định xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM - 1

Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12/5 (Ảnh: Quốc hội).

Chủ tịch Quốc hội cũng băn khoăn khi chưa rõ nội hàm là xây dựng TPHCM thành một trung tâm tài chính hay là xây dựng một trung tâm tài chính trong TPHCM.

Do thế giới có cả 2 cách tiếp cận này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nên làm đề án theo Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TPHCM đã nói, là xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển nơi đây thành trung tâm tài chính.

Nhấn mạnh tiếp tục nghiên cứu, Chủ tịch Quốc hội góp ý nội dung này có thể thể hiện trong tờ trình của Chính phủ hoặc báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, không nhất thiết đưa vào dự thảo nghị quyết của Quốc hội.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 9 nghị quyết về cơ chế đặc thù cho 9 địa phương, đây là nghị quyết có phạm vi và quy mô lớn nhất, phức tạp nhất, đòi hỏi giải quyết được các điểm nghẽn đang cản trở TPHCM phát triển; tạo động lực mới, cú huých mới để phát huy hết tiềm năng, lợi thế cho thành phố…

Về Trung tâm tài chính TPHCM, ông Dũng đồng tình "tạm bỏ ra", bởi đây là vấn đề lớn và rất khó.

Tạm bỏ quy định xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM - 2

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Quốc hội).

"Sáng nay, tôi vừa chủ trì một cuộc họp riêng về việc này. Đúng là đang rất lúng túng, cũng chưa rõ khái niệm, phạm vi, điều kiện cần và đủ để hình thành một trung tâm tài chính tại TPHCM. Bên cạnh đó cũng chưa có thể chế, nguồn lực, bước đi, cách tiếp cận và mô hình như thế nào", ông Dũng nêu thực tế.

Ông cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu hồ sơ về việc này một cách thận trọng và sẽ có báo cáo với Quốc hội sau.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ đánh giá thêm việc ảnh hưởng của chính sách đặc thù đề xuất cho TPHCM tới ngân sách Nhà nước; cân đối lợi ích mang lại không chỉ riêng cho thành phố mà đặt trong tổng thể lợi ích quốc gia, nhất là các chính sách miễn, giảm phí, ưu đãi đầu tư…

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh cân nhắc việc đưa vào nghị quyết nội dung thí điểm xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM do chưa rõ căn cứ nội dung, mô hình hoạt động, chính sách cần có.

Cần thêm "van khóa" với cơ chế liên quan BOT

Với cơ chế cho phép TPHCM áp dụng đầu tư PPP với các dự án trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa có quy mô không thấp hơn 100 tỷ đồng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng ý nên mở rộng phạm vi hơn, không chỉ lĩnh vực thể thao mà có thể văn hóa, y tế. Tức là những gì luật không quy định nhưng thành phố thấy cần thiết thì có thể mở rộng.

Tạm bỏ quy định xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM - 3

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Quốc hội).

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, không nhất thiết phải quy định mức đầu tư trên 100 tỷ đồng mà nên tạo sự linh động cho thành phố. "Ví dụ muốn làm bể bơi cấp huyện vài chục tỷ mà nhà đầu tư góp vốn làm thì cũng tốt, cứ gì phải 100 tỷ với 200 tỷ", ông Huệ dẫn chứng và nhấn mạnh không nên quy định bó hẹp.

Chính phủ cũng trình phương án cho TPHCM áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu. Đồng tình cơ chế này, song Chủ tịch Quốc hội đề nghị thiết kế thêm "van khóa", tức là có thêm điều kiện để hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và chủ đầu tư.

Ông dẫn chứng vừa rồi có một số tuyến trên đường hiện hữu, khi thu phí với người dân và doanh nghiệp, phương tiện ở các nơi khác không có vấn đề, không "điều tiếng" gì, nhưng với những hộ dân ngay ở trạm thu phí, trước hoặc sau trạm thu phí lâu nay đi đường không phải đóng phí, giờ thu phí như người khác thì họ sẽ ý kiến.

Vì vậy, TPHCM phải tính toán kỹ phương án tài chính và cơ chế chính sách đi kèm để đảm bảo hài hòa và hợp lý trong quá trình tổ chức và triển khai.

Ở một góc độ khác, Chủ tịch Quốc hội nhận định đường hiện hữu có nhà đầu tư góp vốn vào tạo ra một lợi ích xã hội rất lớn. Ví dụ đường lưu thông tốt giảm được ùn tắc, giảm khấu hao máy móc, giảm chi phí xã hội, giảm tiêu hao năng lượng… Những lợi ích thu được đó lớn hơn chi phí người ta phải bỏ ra nên họ chấp nhận, miễn sao làm công khai, minh bạch.

Tiếp thu ý kiến của Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ rà soát để điều chỉnh, mở rộng hình thức PPP và bỏ quy định giới hạn về tổng tiền đầu tư, quy định các điều kiện của BOT trên các điều hiện hữu...

Với chính sách cho các dự án BT, BOT, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý cần quy định rõ tiêu chí, nguyên tắc lựa chọn, đánh giá kỹ tác động để có điều kiện thực hiện; đảm bảo cân đối ngân sách, quyền lợi của người dân; tạo sự đồng thuận, công khai, minh bạch và không để xảy ra khiếu kiện, mất an ninh, trật tự.