TPHCM:
Tài xế đòi đo nồng độ cồn 2 lần để lấy... độ cồn trung bình
(Dân trí) - Vi phạm nồng độ cồn vượt mức 3, tài xế P. yêu cầu CSGT đo lại để lấy con số trung bình của 2 lần đo làm căn cứ xử phạt, có vậy mới "tâm phục, khẩu phục".
Tối 15/1, các đội, trạm thuộc Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TPHCM đồng loạt ra quân triển khai đo nồng độ cồn người tham gia giao thông theo tiêu chuẩn quốc tế.
Lúc 20h30 tại trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội, Đội CSGT Rạch Chiếc ra hiệu lệnh dừng 4 phương tiện ô tô thì có tới 3 tài xế vi phạm nồng độ cồn. Các trường hợp này đều bị CSGT lập biên bản tạm giữ bằng lái và phương tiện để xử phạt.
Làm việc với tổ công tác, tài xế D.Q.P. thừa nhận có uống 1, 2 chai bia, tuy nhiên kết quả đo nồng độ cồn của người này là 0,45mg/1 lít khí thở, vượt mức 3 (0,4 mg/1 lít khí thở).
Sau khi lập biên bản, CSGT đọc lại cho anh P. nghe và mời kí vào biên bản thì nam tài xế yêu cầu được đo lại nồng độ cồn để lấy con số trung bình giữa 2 lần đo làm căn cứ xử phạt.
"Bây giờ có thể đo lại nồng độ cồn được hay không để tôi tâm phục, khẩu phục. Vì tôi chỉ uống 1, 2 chai bia nên đâu có say xỉn. Mình lấy con số trung bình của 2 lần đo để xử phạt cũng được mà. Nãy giờ tôi vẫn ngồi đây, còn máy đo vẫn là của các anh mà", anh P. nói với CSGT.
Tổ công tác không đồng ý với yêu cầu này của tài xế P. vì biên bản đã được lập và chỉ lấy kết quả ở lần đo đầu tiên nồng độ cồn.
Với lỗi vi phạm này, tài xế P. bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Tương tự, tại Đội CSGT Bàn Cờ và Bình Triệu, nhiều trường hợp tài xế ô tô vi phạm nồng độ cồn bị lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt và tạm giữ phương tiện.
Một cán bộ cho hay, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn tăng lên so với trước nhưng nhiều tài xế vẫn sử dụng rượu, bia khi lái xe và điều này là rất nguy hiểm, dễ gây tai nạn nghiêm trọng.