1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nam Định:

Tài xế "cắm chốt" phản đối 24/24h, BOT Mỹ Lộc liên tục xả trạm

(Dân trí) - Hơn 10 ngày nay, Trạm thu phí BOT Mỹ Lộc gần như mất kiểm soát, không thu được vé xe, bắt buộc phải xả thông trạm khi một số lái xe lập chốt, mang bàn ghế, máy phát điện… thay nhau trực 24/24h để phản đối việc thu phí tại đây.

Bắt đầu từ đầu tháng 7/2018, tại Trạm thu phí BOT Mỹ Lộc, nằm trên QL21B hay còn gọi là tuyến đường cao tốc Nam Định - Phủ Lý, xảy ra việc nhiều lái xe tập trung phản đối, thắc mắc và chất vấn Trạm thu phí Mỹ Lộc đặt sai vị trí; trạm được lập ra để thu phí 3,9 km đường BOT nhưng lại nằm trên phần đường BT; mức phí sử dụng 3,9 km đường BOT tại đây cao gấp nhiều lần so với mức phí tại nhiều tuyến đường BOT khác.

Nhiều lái xe phản đối BOT Mỹ Lộc
Nhiều lái xe phản đối BOT Mỹ Lộc

Đến cuối tháng 7/2018, tình trạng lái xe phản đối BOT Mỹ Lộc càng có chiều hướng tăng cao hơn. Cụ thể vào sáng ngày 26/7, hàng loạt xe ô tô, có xe phía trước trưng khẩu hiệu “Phản đối BOT Mỹ Lộc – Chúng tôi không đi, không trả tiền” khi đi qua Trạm thu phí Mỹ Lộc đã phản đối việc thu phí, khiến tình trạng ách tắc xảy ra, nhà điều hành BOT Mỹ Lộc đã buộc phải xả trạm.

Bắt đầu từ thời điểm này, nhiều lái xe đã lập “chốt” mang bàn ghế, máy phát điện… thay nhau túc trực tại đây bất kể ngày đêm, hướng dẫn xe qua trạm đi vào làn đường 5m mà họ cho rằng do Sở Giao thông Vận tải Nam Định đầu tư nên không phải nộp phí.

Việc thu phí ở BOT Mỹ Lộc cũng gần như “đóng băng”, mặc dù trạm vẫn cắt cử nhân viên thường trực tuy nhiên không tổ chức thu phí. Một số lái xe vẫn dừng lại mua vé nhưng nhân viên thu phí mở barie cho xe chạy qua. Hai làn thu phí tự động đã được các tài xế đỗ xe bít kín lối đi để tránh cho các phương tiện bị trừ phí.


Việc thu phí ở BOT Mỹ Lộc cũng gần như “đóng băng”, mặc dù trạm vẫn cắt cử nhân viên thường trực tuy nhiên các xe qua đây không phải dừng lại để trả phí.

Việc thu phí ở BOT Mỹ Lộc cũng gần như “đóng băng”, mặc dù trạm vẫn cắt cử nhân viên thường trực tuy nhiên các xe qua đây không phải dừng lại để trả phí.

Anh Nguyễn Mạnh Hiệu, một lái xe phản đối BOT Mỹ Lộc cho biết, anh đã gửi đơn đến Công ty CP Tasco, Công ty TNHH MTV Tasco 6 là chủ của trạm BOT Mỹ Lộc đề nghị trả lời về việc trên đường 21B có 10m mặt cắt (mỗi bên đường có 1 làn 5m) là do Sở Giao thông Vận tải Nam Định đầu tư thi công. Vì đây là phần đường do nhà nước đầu tư theo hình thức BT nên khi xe cộ lưu thông trên phần đường này sẽ không bị thu phí. Thậm chí việc đặt trạm thu phí của Tasco tại đây là bất hợp pháp và gây cản trở giao thông.

Trả lời về vấn đề này tại cuộc giao ban báo chí tháng 7/2018 của tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nam Định cho biết, theo quy hoạch, tuyến đường tránh thành phố Nam Định dài 3,9km, nối từ Quốc lộ 10 đến thị trấn Mỹ Lộc rộng 48m với 6 làn xe. Tuy nhiên, theo hợp đồng ký kết giữa UBND tỉnh Nam Định và nhà đầu tư TASCO vào năm 2008 về việc đầu tư xây dựng tuyến đường tránh Thành phố Nam Định theo hình thức BOT, nhà đầu tư TASCO chỉ làm tuyến đường này rộng 4 làn xe và một giải phân cách ở giữa rộng 20,5m.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nam Định cho biết, nếu tỉnh Nam Định không đầu tư thêm 2 làn đường, các xe đi qua tuyến này vẫn phải trả phí
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nam Định cho biết, nếu tỉnh Nam Định không đầu tư thêm 2 làn đường, các xe đi qua tuyến này vẫn phải trả phí

Việc dự án BOT chỉ làm 4 làn xe là bởi nếu đầu tư cả 6 làn xe theo hình thức BOT sẽ tăng vốn đầu tư, dẫn đến kéo dài thời gian và mức giá thu phí hoàn vốn. Sau khi dự án đường BOT gần hoàn thành, để phát huy hiệu quả của tuyến đường, giải quyết nhu cầu cấp bách về ách tắc giao thông trên Quốc lộ 21A (chạy song song) và để phù hợp với quy hoạch tuyến đường đã được duyệt, tỉnh có chủ trương đầu tư bằng ngân sách để hoàn thiện xây dựng tuyến đường tránh đúng quy hoạch...

Theo đó, ngày 24/1/2011, UBND tỉnh đã ký Quyết định số 161 phê duyệt dự án xây dựng mở rộng mặt cắt ngang phần đường xe chạy, tuyến đường tránh thành phố Nam Định, đoạn từ thị trấn Mỹ Lộc tới quốc lộ 10.

Theo Quyết định này, dự án thực hiện mở rộng thêm làn đường chính mỗi bên 5m vào dải phân cách giữa so với mặt cắt ngang thiết kế của dự án đường BOT. Tổng kinh phí thực hiện dự án hỗ trợ là 85,908 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách của tỉnh. Số kinh phí trên không tính vào tổng vốn đầu tư của dự án BOT trên.

Ông Hùng khẳng định, sau khi dự án hỗ trợ hoàn thành, tuyến đường tránh TP Nam Định được tăng từ 4 lên 6 làn xe, dải phân cách ở giữa thu hẹp lại chỉ còn 10,5m và được Sở GTVT bàn giao lại cho nhà đầu tư TASCO chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng cho đến hết thời hạn thu hồi vốn... Việc tỉnh Nam Định bỏ ra hơn 80 tỷ đồng ngân sách để mở rộng thêm làn đường, thu hẹp dải phân cách nhằm mục đích hỗ trợ, hoàn thiện, phát huy hiệu quả của tuyến đường tránh TP Nam Định vốn trước đó được đầu tư theo hình thức BOT theo đúng quy hoạch. Nếu tỉnh không đầu tư thêm 2 làn đường, các xe đi qua tuyến này vẫn phải trả phí. Vì vậy nếu lấy lý do chỉ đi vào làn đường đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước để không trả phí là không có cơ sở.

Đức Văn